Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXVI Quanh Năm, A – Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XXVI QUANH NĂM
Sách Tiên Tri Ezekiel 18.21-28;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Philipphê 2.1-11
và Phúc Âm Thánh Matthêu 21.28-32
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!” Nó thưa lại rằng: “Con không đi”. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: “Thưa cha, vâng, con đi”. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm
Người kia có hai đứa con,
Ông bảo đứa nhất: Vườn nho đi làm.
Nói “không”, có vẻ phủ phàng,
Sau đó hối hận đi làm việc Cha.
Cha già hết sức thiết tha,
Đến con trai kế mời ra đi làm.
Ngoan ngoãn thưa Cha sẵn sàng,
Nhưng rồi chả thấy chả màng việc Cha.
Ai làm theo ý người Cha?
Thu thuế đĩ điếm xin tha quay về.
Luật sĩ, Biệt phái làm hề,
Miệng đầy kinh kệ toàn bề giả nhân.
Yêu Chúa hệ tại nghĩa ân,
Thi hành thánh ý thật tâm trọn tình.
Ghét tổ cái thói giả hình,
Bi bô Chúa Mẹ thực tình rỗng không. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Hãy đi làm vườn nho! Nói khác đi: Thực hành thánh ý Chúa.
Đó là lời mời gọi của Chúa cho tất cả mọi người.
Con người có quyền tự do đáp trả bằng sự ưng thuận hay từ chối: Có thể đi làm vườn nho hay không. Có thể thực hành ý Chúa hay không.
Ưng thuận hay từ chối thể hiện qua hành động: đi làm vườn nho. Có nhiều khi con người thay đổi từ ưng thuận sang hành động khước từ hay từ thái độ khước từ lúc đầu sang hành động ưng thuận về sau.
II. Diễn giải Phúc Âm:
Tự do theo quan niệm Kitô giáo:
Con người có tự do, vì là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Tự Do tuyệt đối. (Gn 1,27)
Công đồng Trento xác quyết rằng: “Tội Adam làm cho con người mất đi sự công chính nguyên thủy, ý muốn con người ra yếu đuối, nhưng vẫn không mất tự do, dưới ảnh hbưởng của thường sủng, con người có thể chấp thuận hay từ chối”. (Denz 1521,1554, 1927)
Chúa Kitô đem đến một sự tự do chân chính chỉ cho những ai tuân giữ lời Ngài: “Nếu các ngươi ở lại trong Lời Ta, các ngươi sẽ thực là môn đệ Ta, các ngươi sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ cho các ngươi được tự do” (Ga 8,31). “Hỡi anh em, anh em đã được kêu gọi để sống tự do, nhưng đừng lấy tự do mà sống theo xác thịt”. (Gal 5,13)
Tự do chỉ sống động khi tìm thấy đối tượng riêng của nó, và nhận ra đối tượng thích hợp nhất. “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên chúng con, cho Chúa, lòng chúng con không thể nghỉ an cho tới khi tìm thấy sự nghỉ an trong Chúa”. (Thống hối. Augutino, confess 1,1)
Tự do là một đặc tính cao quí, nhưng cũng là một trách nhiệm đáng sợ. Người ta có thể lạm dụng tự do để từ chối Thiên Chúa, xúc phạm đến Ngài.
Tự do của con người chỉ có giới hạn, chúng ta cần phải được cứu rỗi. (The estranged God, Anthony T. Padovano, 1966, p. 171).
Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. (Mục vụ số 17)
Tự do nằm trong hoạt động có ý thức, lựa chọn có ý thức, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng ép. (Mvụ số 17).
Tự do của con người thường suy giảm khi bị rơi vào cảnh quá cùng cực. (Mv số 31)
Tự do bị hạ giá, nếu buông thả quá mức theo cuộc sống thoải mái. (Mv số 31)
Tự do được đức vâng lời và bổn phận bảo đảm (Hc Giáo hội 43), nhưng nhiều người dựa vào tự do mà từ bỏ tùng phục. (Tuyên ngôn Tự do tôn giáo số 8)
Làm sao gọi là tự do quyết định nếu đã có sự quan phòng của Thiên Chúa?
Câu hỏi về Quan phòng và Tự do trên trở nên phức tạp khi nói về mầu nhiệm ơn tiền định (predestination). Thánh Augutinô viết: Khi quá bênh vực ơn thánh điều khiển, người ta chối phần tự do con người. Các nguyên tắc Cựu và Tân ước sẽ không còn giá trị, nếu con người không có tự do. (Pl 44,883)
Thánh Tôma xác nhận cả hai: Sự quan phòng của Thiên Chúa và sự tự do của con người. Theo ngài, tri thức và hiện hữu của Chúa, không giống tri thức và hiện hữu của thụ tạo. Chúa không nhận thức sự vật cách “nối tiếp”, nhưng Ngài nhận thức chúng bằng hành vi “toàn thể đời đời”. Và, nếu con người không có tự do thì những lời khuyến cáo, giới luật, cấm, khen, phạt sẽ trở thành vô nghĩa (Summa Theologia 1a,83,1). Để dung hòa 2 chân lý trên, thánh Tôma phân biệt nguyên nhân đệ I và đệ I I. Thiên Chúa là nguyên nhân đệ I của vạn vật, con người hành động dưới ảnh hưởng của Chúa, họ là nguyên nhân đệ 2 các hành vi của mình. Ví dụ, khi người thợ mộc đóng cái bàn, ông dùng gỗ sẵn có, ông thực là nguyên nhân đệ 2 của cái bàn ông làm ra. Kết luận: “Chỉ với trí khôn thụ tạo, người ta không thể hiểu được mầu nhiệm, phải có đức tin thay thế”. (Bách khoa trên tr. 94)
Ý kiến cá nhân: Khó hiểu nhưng rõ ràng là: Thiên Chúa ban cho con người hoàn toàn tự do. Tự do chấp thuận lời mời gọi đi làm vườn nho Chúa hay thực hiện thánh ý Chúa cũng như tự do chối từ lời Chúa kêu gọi để sống theo sở thích riêng mình. Chúa là Đấng trung thành tuyệt đối với lời nói và chương trình của mình. Nên Chúa không “quan phòng” để giết chết hay hạn chế tự do cao quí đã ban cho con người. Quan phòng không có nghĩa là tiền định, nhưng có nghĩa là thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra. Quan phòng cũng như người ta thấy trước: Hút thuốc là ung thư phổi hay cờ bạc là bác thằng bần. Hút thuốc là tự do chọn ung thư phổi. Cờ bạc là tự do chọn nghèo khổ.
Con người có khả năng thay đổi từ tốt sang xấu hay ngược lại từ xấu sang tốt. Giống như người nói KHÔNG rồi CÓ hay như của người nói CÓ rồi sang KHÔNG.
Thường người ta đánh giá không tốt về người hay thay đổi lập trường: Hôm nay thế nầy mai thế khác không biết đâu mà lường. Tuy nhiên sự thay đổi từ KHÔNG sang CÓ nơi người con thứ nhất hay từ CÓ sang KHÔNG của người con thứ hai không là chuyện bốc đồng, tùy hứng nhưng “sau đó nó hối hận, nên lại đi!” Đó là kết quả của suy nghĩ lại hay hồi tưởng hay sực tĩnh. Thái độ cần thiết cho đời sống bình thường hay đời sống tâm linh.
Biệt Phái và Luật Sĩ, những người tự cho là đạo dòng hay đạo gốc nầy đã tưởng rằng mình thực thi thánh ý Chúa bởi dòng dõi Abraham hay bởi việc tuân giữ nhiệm nhặt và chi li những luật lệ truyền thống. Kỳ thực họ đã nói KHÔNG với thánh ý Chúa.
Thu thuế và đĩ điếm trước mắt mọi người là những đứa con nói KHÔNG với lời mời gọi của Chúa, nhưng sau đó “hối hận, nên lại đi!”. Họ âm thầm thực hiện hoán cải. Họ đã nói CÓ với Chúa.
Nên khi Chúa nói: Những người thu thuế và những cô gái điếm vào nước Thiên Chúa trước các ông! Chúa không có ý nói làm thu thuế hay làm điếm thì tốt và sẽ vào nước Thiên Chúa trước những Biệt Phái và luật sĩ. Nhưng Chúa hàm ý: “Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi!”
Việc thực hành thánh ý Chúa không tùy thuộc cương vị hay tước vị, hay nghề nghiệp hay bậc sống, nhưng tùy thuộc “nó hối hận, nên lại đi!”
Giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân hay người tội lỗi bê tha nguội lạnh… Tất cả đếu có thể thực thi thánh ý Chúa, đi làm vườn nho Chúa hay có thể từ chối không thực thi thánh ý Chúa, không làm vườn nho Chúa. Làm vườn nho Chúa là thực thi thánh ý Chúa. Nói khác đi thực thi thánh ý Chúa bằng việc làm vườn nho Chúa. Làm vườn nho Chúa hay thực thi thánh ý Chúa là: Làm cho Nước Chúa trị đến, cho danh Cha cả sang. Tức làm cho mọi người biết Chúa và được ơn cứu độ.
Tại sao Biệt Phái, Luật Sĩ lại không thực thi thánh ý Chúa?
Họ hiểu lầm: Con cháu Abram, giữ hết mọi luật là thực thi ý Chúa. Cũng giống như có người nghĩ rằng: Rửa tội Công Giáo, đi lễ Chúa Nhật, giữ Mười Điều Răn Đức Chúa Trời và Sáu Điều Răn Hội Thánh là thực thi trọn vẹn thánh ý Chúa. Luật lệ hay điều răn là ý Chúa hay cách giúp thực hiện thánh ý Chúa. Tuy nhiên, thực thi thánh ý Chúa còn là chuyện lấy ý Chúa hay chương trình của Chúa làm ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Một linh mục đang bôn ba đây đó xin tiền cất hết nhà thờ nầy sang nhà thờ khác… có chắc Ngài đang thực thi thánh ý Chúa không? Vườn nho Chúa có hệ tại hoàn toàn trên số nhà thờ mới xây dựng không? Một tu sĩ đang ngày đêm soạn bài suy niệm Phúc Âm hay sáng tác nhạc để phổ biến rộng rãi cho mọi người. Danh tiếng “Thầy” càng ngày càng cao. Không chắc danh “Cha” được cả sáng!
Giáo dân Công giáo tích cực tham gia sinh hoạt giáo xứ tuyên bố rằng: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời!” Hoàn toàn vâng phục và làm theo mọi mệnh lệnh của Cha xứ. Cha vui lắm! Nhưng … chắc gì đó là thánh ý Thiên Chúa. Có nhiều khi tô vẽ thánh ý Chúa để “ý con được tròn” chăng?
Thánh ý Chúa là làm vườn nho Chúa. Là làm cho mọi người biết Chúa và tôn thờ Chúa. Làm sao khi người ta nhìn thấy chúng ta làm là biết ngay rằng: Chúng ta đang làm vườn nho cho Chúa.
III. Thực hành Phúc Âm:
Lạy Chúa! Này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa.
Con người bao giờ cũng thích ý mình được thực hiện hay thích người khác phục tùng mình.
Có người vợ đã ngang nhiên công bố là: Ổng ấy nghe lời tôi răm rắp, bảo đi đâu làm gì là không sai chạy.
Có người chồng kia đã mạnh dạn phát biểu: Dù là con mèo đen, nhưng tôi bảo vợ tôi nói trắng thì cô ấy cũng phải nghe tôi mà nói con mèo trắng. Đời sống linh mục không phải dễ mà cũng không phải lúc nào cũng như ý mình muốn. Tuy nhiên tôi có một kinh nghiệm làm tôi thấy hạnh phúc trong đời sống là: Lạy Chúa, nầy con xin đến để thực thi thánh ý Chúa.
- Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là bài sai của Đức Giám Mục địa phận.
- Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là làm việc nhiều giờ, cố gắng mang ích lợi tối đa cho giáo dân.
- Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là không phải theo ý của ông nào hay bà nào cả mà chu toàn bổn phận mình mỗi ngày một cách công tâm.
- Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là bình an thư thái, không bận vướng và không phải quan tâm hay chú ý đến chuyện của người phối ngẫu: Làm gì mà đi lâu về vậy cà? Không biết có tình ý gi không mà cứ gọi điện thoại tâm sự với cô ấy mãi? Tiền bạc không biết có đủ cho lần đi mua sắm nầy không?….
- Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là được đọc Lời Chúa, được dâng lễ, được ban bí tích, được rao truyền Lời Chúa và được hy sinh cho Nước Chúa.
Cám ơn Chúa ban cho tôi hạnh phúc được nói và sống: Lạy Chúa nầy con xin đến để thực thi thánh ý Chúa.