HÔN NHÂN & GIÁO LUẬT
Hôn Nhân Hợp Giáo Luật
Định nghĩa vài từ ngữ cần thiết
-
Bất hợp luật (illicit or unlawful): Một hành động không phù hợp với qui định của Giáo Luật, nhưng không làm vô hiệu lực hành động.
Thí dụ: Một linh mục rửa tội cho giáo dân của mình trong lãnh thổ giáo xứ của người khác mà không trình báo với bản quyền sở tại. (G.L.862)
Không rơi vào trường hợp nguy tử, nhưng linh mục lại ban bí tích rửa tội tại nhà tư và không có phép của Bản Quyền địa phương. (G.L.860)
Những ai được rửa tội trong trường hợp kể trên coi như thực sự đã rửa tội, không cần phải rửa tội lại, cho dù việc cử hành bí tích không hợp luật.
-
Không thành sự, vô hiệu lực (invalid):
Hành động không có hiệu lực vì quên sót một yếu tố làm cho hành động đó thành sự.
Thí dụ: Kết hôn với nhau, nhưng lại không trao lời ưng thuận rõ ràng trước mặt vị giáo sĩ có thẩm quyền chứng hôn (authorized priest or deacon) và hai nhân chứng (two witnesses) (GL. 1108-1123)
Hoặc tác nhân không hội đủ điều kiện luật định để làm cho hành động sinh hiệu lực.
Thí dụ: Kết hôn với người có chức thánh (G.L. 1087) hay với một tu sĩ đã khấn trọn mà chưa giải gỡ lời khấn (G.L. 1088)
-
Ngăn trở tiêu hôn (diriment impediment):
Ngăn trở làm cho người ta không thể kết hôn có hiệu lực (G.L.1073). Một số ngăn trở tiêu hôn:
-
a) Người nam chưa tròn 16 tuổi và người nữ chưa tròn 14 tuổi (G.L. 1083 §1)
-
b) Bất lực vĩnh viễn giao hợp tiền hôn nhân (G.L.1084 §1).
-
Người đã kết hôn và còn đang bị ràng buộc bởi dây hôn nhân trước (G.L.1085 §1)
-
Hôn nhân dị giáo (giữa một người Công Giáo và người không rửa tội) mà không có phép chuẩn.
-
Những người đã lãnh nhận chức thánh (G.L. 1087) hay những tu sĩ khấn trọn công khai và vĩnh viễn (G.L. 1088)
-
Đoạt nữ: Bắt cóc và ép buộc kết hôn (G.L. 1089)
-
Tội ác: Gây ra cái chết cho người phối ngẫu để tiến tới hôn nhân khác (G.L. 1090)
-
Con nuôi được pháp luật nhìn nhận: hôn nhân bất thành ở hàng dọc và bậc thứ hai ở hàng ngang. Thí dụ: con, cháu của con nuôi hay giữa con ruột và con nuôi coi như anh chị em.
Miễn chuẩn (dispensation): Giáo quyền (Competent Ecclesiastical authority) như Giám Mục, Tổng Đại Diện (Vicar General) hay Đại diện Giám Mục (Episcopal Vicar), gọi chung là Bản Quyền địa phương (Local Ordinary) trong quyền hạn qui định bởi luật được miễn chuẩn cho người công giáo khỏi những ràng buộc của Giáo Luật (all impediments of ecclesiastical laws) vì ích lợi thiêng liêng của họ.
Thí dụ: Miễn chuẩn cho người Công Giáo kết hôn thành sự với người không chịu phép rửa tội, cũng được gọi là hôn nhân dị giáo. (Dispensation for disparity of Cult) (G.L. 1129)
Giáo Luật qui định: Hôn nhân, dù chỉ một bên là công giáo, chỉ thành sự và hiệu lực khi có Bản Quyển sở tại, hoặc Cha sở, hay linh mục hoặc Phó tế được ủy quyền chứng hôn trước mặt hai nhân chứng (G.L.1108§1). Tuy nhiên bản quyền địa phương có thể miễn chuẩn cử hành hôn nhân theo luật định (Dispensation from Canonical form). Khi được miễn chuẩn nầy, hôn nhân có thể cử hành những nơi khác hơn là nhà thờ công giáo, như ở Chùa Phật Giáo, hay ở một hội trường hay có thể xảy ra trước một người không phải là giáo sĩ công giáo (G.L.1118)
Tuy nhiên có những ngăn trở mà sự miễn chuẩn được dành riêng cho Tông Tòa (Apostolic See – G.L.1078 §2) như ngăn trở chức thánh hay ngăn trở do lời khấn dòng công khai và vĩnh viễn của những tu sĩ thuộc luật Giáo Hoàng (Pontifical right) hay ngăn trở do tội ác nói ở khoản GL. 1090
Có những ngăn trở sẽ không bao giờ được miễn chuẩn như: Bất lực vĩnh viễn tiền hôn nhân; như bị ràng buộc bởi hôn nhân trước; hay ngăn trở họ máu hàng dọc (impediment of consanguinity in direct line). Thí dụ: Ông-Cháu hay ngăn trở họ máu hàng ngang bậc hai. Thí dụ: anh chị em ruột. (impediment of consanguinity in the second degree of collateral line) (G.L.1078 §3)
Những thí dụ về: (1) hôn nhân thành sự (Valid Marriage); (2) hôn nhân bí tích (Sacramental marriage); (3) hôn nhân thành sự không bí tích (valid but not sacramental marriage) và (4) những hôn nhân không được coi là hôn nhân (invalid marriage)
Bộ Giáo Luật 1983 dành ra 110 điều từ điều số 1055 đến điều số 1165 để nói riêng về hôn nhân. Nó phức tạp hơn bất cứ vấn đề nào khác trong sinh hoạt Giáo Hội. Tôi xin dùng những thí dụ để xếp loại hôn nhân: hôn nhân thành sự, hôn nhân bí tích, hôn nhân thành sự không bí tích và hôn nhân không có giá trị hôn nhân.
-
Hôn nhân thành sự (Valid marriage – Xin hiểu là đôi nam nữ được rửa tội thành sự và đây là hôn nhân đầu tiên trong đời họ)
-
Một người đàn Ông Công Giáo và một người đàn bà công giáo kết hôn trước một linh mục và hai nhân chứng.
-
b) Một người đàn bà Anh giáo và người đàn ông rửa tội trong Giáo Hội Trưởng lão (Presbyterian Church) kết hôn trước Thẩm Phán Hòa Giải (a Justice of the Peace) sau khi đã được giáo quyền của họ chuẩn nhận.
-
c) Một người đàn ông công giáo và một người đàn bà Phật Giáo (chưa hề được rửa tội) kết hôn trước mặt linh mục công giáo và hai nhân chứng sau khi đã được miễn chuẩn dị giáo (dispensation for disparity of Cult)
-
d) Hai người, một người đàn bà và một đàn ông cùng rửa tội bên Giáo Hội Luther kết hôn trước Mục sư của Giáo hội Luther.
-
e) Hai người, một đàn ông và một đàn bà chưa hề được rửa tội trong bất cứ Giáo Hội nào, kết hôn trước Thẩm Phán Hòa Giải (a Justice of the Peace).
-
f) Người đàn bà rửa tội bên Anh Giáo kết hôn với một người đàn Ông công giáo trước mặt linh mục công giáo và hai nhân chứng sau khi đã được phép kết hôn hỗn hợp (mixed marriage)
-
Hôn nhân có Bí Tích (Sacramental marriage): Hôn nhân giữa hai người được rửa tội, thành sự và có bí tích.
-
a) Một người đàn Ông Công Giáo và một người đàn bà công giáo kết hôn trước một linh mục công giáo và hai nhân chứng.
-
b) Một người đàn bà Anh giáo và người đàn ông rửa tội trong Giáo Hội Trưởng lão (Presbyterian Church) kết hôn trước Thẩm Phán Hòa Giải (a Justice of the Peace) sau khi đã được giáo quyền của họ chuẩn nhận.
-
c) Người đàn bà rửa tội bên Anh Giáo và một người đàn Ông công giáo kết hôn trước mặt linh mục công giáo và hai nhân chứng sau khi đã được phép kết hôn hỗn hợp (mixed marriage)
-
d) Hai người, một người đàn bà và một đàn ông cùng rửa tội bên Giáo Hội Luther kết hôn trước Mục sư của Giáo hội Luther.
-
Hôn Nhân thành sự nhưng không có bí tích (valid but not sacramental marriage)
-
a) Một người đàn ông công giáo và một người đàn bà Phật Giáo (chưa hề được rửa tội) kết hôn trước mặt linh mục cộng giáo và hai nhân chứng sau khi đã được miễn chuẩn dị giáo (dispensation for disparity of Cult)
-
b) Hai người, một đàn ông và một đàn bà chưa hề được rửa tội trong bất cứ Giáo Hội nào, cả hai có thể là Phật Giáo, kết hôn trước Thẩm Phán Hòa Giải (a Justice of the Peace).
-
Hôn Nhân không thành sự hay đúng hơn không là hôn nhân (invalid marriage)
-
a) Một người đàn Ông theo Do Thái giáo và một người đàn bà Công Giáo kết hôn trước Thẩm Phán tòa Hòa Giải (a Justice of the Peace). Hôn nhân nầy thường được gọi là “thiếu hình thức cử hành hôn nhân theo luật định – GL. 1108§1” (defect of Canonical form). Giáo luật không nhìn nhận những hôn nhân không theo Giáo Luật.
-
b) Hai người đàn ông hay hai người đàn bà, dù có rửa tội hay không rửa tội trong bất cứ Giáo Hội nào, kết hôn trước Thẩm Phán Tòa Hòa Giải. Hôn nhân đồng tính (same sex marriage) không được nhìn nhận là hôn nhân vì đi ngược với luật tự nhiên (natural law) mà Tạo Hóa đã thiết lập (Divine law) – G.L. 1055§1
-
c) Giữa hai vị thành niên, nam 15 tuổi, Công Giáo và bên nữ 14 tuổi, theo Phật Giáo (Ngăn trở tiêu hôn, không chỉ vì dị giáo nhưng vì bên Nam chưa đủ 16 tuổi theo luật định G.L. 1083§1)
-
d) Giữa một người đàn ông bất lực vĩnh viễn tiền hôn nhân và một ngườI đàn bà (Ngăn trở tiêu hôn không ai có quyền miễn chuẩn GL. 1084§1)
-
e) Hôn nhân giữa người đàn ông độc thân và người đàn bà đã có chồng, ly dị, nhưng còn ràng buộc bởi dây hôn nhân trước (Ngăn trở tiêu hôn do dây hôn nhân trước còn hiệu lực G.L. 1085§1 và §2)
Chúng ta có thể thêm nhiều thí dụ về những hôn nhân bất thành vì rơi vào trường hợp tiêu hôn được Giáo Luật qui định từ điều 1083 đến 1094.
-
Những lưu ý quan trọng về những thí dụ trên:
-
a) Hai người, một đàn ông và một đàn bà, nếu đã được rửa tội thành sự, không nhất thiết phải rửa tội Công Giáo, kết hôn có bí tích (Sacramental marriage – xem lại thí dụ II – 2 bên trên)
-
b) Như vậy hôn nhân có bí tích là hôn nhân giữa hai người đã rửa tội thành sự (GL. 1055) Hôn nhân tự nhiên xảy ra giữa hai người không ai được rửa tội hoặc chỉ một người được rửa tội.
-
c) Chúng ta hay nghe nói về tiêu hủy hay tháo gỡ hôn nhân (dissolution of the marriage bond) Thoạt nghe ai cũng nghĩ rằng: Đức Thánh Cha, hay các Giám Mục hay Tòa Án Hôn Phối có quyền tuyên bố hủy bỏ hôn nhân của người khác.
Không, không ai có quyền đó kể cả Đức Giáo Hoàng, vì Chúa đã nói “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân ly hay tháo gỡ” (Matthêu 19:3-6)
Như vậy sao lại có chuyện tháo gỡ xảy ra hàng ngày trong Giáo Hội?
Giáo Hội hiểu “sự gì Thiên Chúa đã liên kết” là những hôn nhân có bí tích và đã hoàn hợp – Ratum et consumatum – ratified and consummated). Đó là hôn nhân của hai người có rửa tội và họ đã thật sự chung sống đời vợ chồng bằng sự giao hợp đúng nghĩa và đúng cách của con người (humano modo – human manner – GL. 1061§1). Không ai có khả năng tiêu hủy hay giải gỡ, chỉ trừ cái chết (No man must not divided – GL.1141)
Tuy nhiên Đức Giáo Hoàng và chỉ mình Ngài có quyền tháo gỡ:
Những hôn nhân được gọi là có bí tích giữa hai người được rửa tội (ratified) nhưng chưa hoàn hợp (non-consummated marriage) hoặc hôn nhân dị giáo thành sự không bí tích (valid but non-sacramental marriage), nhưng chưa hoàn hợp (non-consummated marriage) khi có lý do chính đáng và được yêu cầu ít là từ một phía (G.L. 1142) Đức Giáo Hoàng tháo gỡ những hôn nhân trên không dựa trên danh nghĩa Ngài đứng đầu Giáo Hội, nhưng trên danh nghĩa và quyền thay mặt Chúa Kitô ở trần gian (Ministerial and Vicarious authority). Từ năm 1216, Đức Giáo Hoàng Innocent III đã đề cập đến quyền thay mặt Chúa Kitô nầy của Đức Giáo Hoàng. Lý do chính đáng được hiều là vì phần rỗi linh hồn (salus animarum – salvation of souls)
Những hôn nhân giữa hai người không được rửa tội lúc kết hôn. Sau đó một người tòng giáo và người kia không chấp nhận chung sống hòa bình. Đức Giáo Hoàng áp dụngg đặc ân Thánh thánh Phaolô (Pauline Privilege) để tháo gỡ sự ràng buộc của dây hôn nhân trước vì ích lợi đức tin cho người vừa tòng giáo, đồng thời cho phép họ tiến tới một hôn nhân khác (GL. 1143-1147)
Gọi là đặc ân Thánh Phaolô vì căn cứ trên Thư thứ I Phaolô gửi Giáo Đoàn Corintô 7:12-15 nói “Nếu người phối ngẫu không có đức tin rời bỏ anh hay chị hãy để họ ra đi! Anh hay chị không còn ràng buộc gì với họ . . .”
Đặc ân Thánh Phaolô chỉ áp dụng có hiệu lực khi thỏa đáp ba điều kiện:
@ Từ hôn nhân thành sự của hai người không được rửa tội lúc kết hôn.
@ Sau đó một người được rửa tội thành sự.
@ Người phối ngẫu chưa rửa tội không chấp nhận sống chung hay chung sống hòa bình.
Đặc ân thánh Phêrô (Petrine Privilege) hay cũng gọi là sự tháo gỡ dây hôn nhân vì đặc ân đức tin (dissolution of the Matrimonial bond in favour of the faith) Ngày nay người ta không thích dùng từ Đặc Ân Thánh Phêrô, vì thật sự Thánh Phêrô không có ban một đặc ân nào cho hôn nhân cả.
Đặc ân nầy không được qui định thành luật trong bộ Giáo Luật 1917. Nhưng bắt đầu từ năm 1920, Đức Giáo Hoàng giải gỡ những hôn nhân vì lý do đặc ân đức tin. Đền năm 1934 Văn Phòng Tòa Thánh ra nguyên tắc hướng dẫn hoàn thành thủ tục xin giải gỡ hôn nhân vì đặc ân đức tin. Ngày 6.12.1973 Bộ Đức Tin ban hành huấn thị Ut Notum est. Gần đây nhất là Potestas Ecclesiae (Quyền bính của Giáo Hội) cũng do Thánh Bộ Đức Tin ban hành. Theo đó hôn nhân giải gỡ vì đặc ân đức tin được áp dụng như sau:
Phần I – Số 1: Hôn nhân giữa hai người mà ít nhất một người không được rửa tội sẽ có thể được Đức Giáo Hoàng tháo gỡ vì đặc ân đức tin nếu họ không chung sống như vợ chồng sau khi người kia được rửa tội. (non-use of the marriage after the baptism perchance of the party who was not previously baptized)
Hôn nhân giữa hai người không công giáo và ít nhất là một người không được rửa tội có thể được Đức Giáo Hoàng giải gỡ vì đặc ân đức tin và vì phần rỗi các linh hồn, in favorem fidei salutemque animarum (in Potestas Ecclesiae, trang 3)
Chúng ta hiểu như thế nầy: Hôn nhân thành sự giữa hai người không công giáo, ít nhất có một người không rửa tội. Hôn nhân nầy tan vỡ và ly dị dân sự. Trước mắt Giáo Hội, họ vẫn bị ràng buộc bởi dây hôn nhân tự nhiên. Nhưng sau đó, một người đi kết hôn với một người công giáo, thì họ xin giải gỡ hôn nhân thành sự trước. Đức Giáo Hoàng có thể giải gỡ vì đặc ân đức tin và vì sự cứu độ các linh hồn, tức vì ích lợi thiêng liêng cho người Công Giáo. Nếu không người công giáo sẽ không được xưng tội rước lễ. Đó là lý do mà người ta dùng “đặc ân đức tin và vì phần rỗi các linhn hồn (in favor of the faith and the salvation of souls).
Tất cả những giải thích nầy dựa trên quyển Special Marriage Case and Procedures do hai tác giả: Linh mục Wojciech Kowal, OMI và Linh mục William H. Woestman, OMI. Giáo sư Giáo Luật Đại Học St. Paul, Ottawa, vừa xuất bản tháng 9.2008
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên JCD (Juris Canonici Doctor)