MƯỜI VẤN NẠN LIÊN QUAN ĐẾN TIẾN TRÌNH TUYÊN THÁNH CHA PHANXICÔ XAVIÊ TRƯƠNG BỬU DIỆP
<o>
Có những vấn nạn rất thực tế liên quan đến tiến trình tuyên thánh cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp như sau:
Vấn nạn 1: Việc tiến hành phong thánh cha Diệp, sao không nghe HĐGM VN nói lên một tiếng nói nào cả để các LM nước ngoài hỗ trợ. Kể cả ĐC. Tri Bửu Thiên cũng không ra một chỉ thị nào. Việc phong thánh cho cha Diệp là việc quan trọng cho cả nước tại sao im lặng như vậy? Nếu VN không hỗ trợ, mà các cha nước ngoài hỗ trợ có đi ngược lại ý muốn của các ngài không?
1.Hội đồng Giám Mục VN. chính thức lên tiếng ủng hộ qua hai sự kiện:
a. Xin trích Nhật K. Hội Nghị Thường Niên Kỳ I – 2012 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 9 -13/4/2012 ghi lại nguyên văn như sau: “ Thời giờ còn lại, Hội nghị lắng nghe Đức Cha Giáo phận Cần Thơ trình bày thỉnh nguyện xin phong thánh cho Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp; thỉnh nguyện nầy được toàn thể Hội Đồng Giám Mục bày tỏ sự hiệp thông và đồng tình.” “Hiệp thông” trong tiếng Latinh gọi là communio – tức hiệp nhất và đồng lòng trong quyết định và công việc.
b. Và gần đầy trong thông báo chính thức của Hội Đồng GM VN. đề ngày 28.12.2014 về những điểm nổi bật của Giáo hội Công Giáo VN trong năm 2014 đã ghi như sau:
Hồ sơ xin phong Chân phước cho cha Trương Bửu Diệp: không có gì ngăn trở:
Ngày 31-10-2014, Bộ Phong Thánh đã chính thức gửi thư cho Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám mục giáo phận Cần Thơ, thông báo rằng không có gì ngăn trở trong việc xúc tiến hồ sơ xin phong Chân phước cho Cha Trương Bửu Diệp. Hồ sơ xin phong Chân phước cho Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp đã được Đức cha Stêphanô chính thức cho xúc tiến từ năm 2011.
Chúng ta biết rằng: Toà Thánh bao giờ cũng là người đi sau. Bộ tuyên thánh đã ra văn thư không có gì ngăn trở sau 3 năm bắt đầu tiến trình tuyên thánh Cha Diệp cấp địa phận, tức là sau khi Đức Cha địa phận tiến hành và Hội Đồng Giám Mục các cấp đã chuẩn nhận.
2. Hội Đồng Giám Mục cấp giáo tỉnh và cá nhân các Giám Mục:
a. Hội Đồng giám Mục giáo tỉnh Sàigòn: Ngày 29.12.2011, chúng tôi, linh mục Phêrô Trần thế Tuyên, cáo thỉnh viên và linh mục Roland Jacques, phó Cáo Thỉnh Viên, đã được Đức Cha Stephanô Tri bửu Thiên giới thiệu ra mắt với Hội Đồng Giám Mục GiáoTỉnh Sàigòn. Hội đồng GM giáo tỉnh đã hết sức khích lệ và ủng hộ chúng tôi.
b. Đức Cha Gioan Baotixita Bùi Tuần, Giám Mục hưu trí của địa phận Long Xuyên và Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô quang Kiệt ngày 18.6.2012 đã dành cho cáo thỉnh viên một cuộc phỏng vấn để nói lên niềm tự hào khi nghe tin Cha Px. Trương Bửu Diệp đang được xúc tiến tuyên thánh. Hai Đức Cha đều nhìn nhận đây là việc phải làm.
Lời chứng của đức tổng Giuse Ngô Quang Kiệt về Cha F.X Trương Bửu Diệp
c. Đức Cha Phaolô Nguyễn văn Đọc ngày 12.3.2012 đã giảng lễ giỗ cho Cha Diệp ở Tắc Sậy và hết sức ca ngợi gương bác ái mục tử của Cha Diệp.
d. Đức Tổng giám Mục Leopoldo Girelli, sứ thần toà thánh ở Việt Nam đã đến viếng Tắc Sậy ngày 18.7.2012. Ngài khích lệ và ngưỡng mộ khi thấy số người hành hương đến viếng Cha Diệp rất đông.
e. Lễ giỗ hàng năm, đều do Đức Cha địa phận Cần Thơ hay các Đức Cha Việt Nam đến chủ lễ và giảng dạy.
Những điều trên cho thấy Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các Đức Cha Việt Nam và cả bộ tuyên thánh đều tán thành việc tuyên thánh Cha Px. TBD. Tuy nhiên HĐGM VN, cụ thể là Đức Cha Thiên không thể ra một chỉ thị nào để cho quý linh mục hải ngoại tiếp tay. Lý do:
1/ Đức Cha Thiên là Giám Mục Cần Thơ, Ngài chỉ có thẩm quyền trên đàn chiên của Giáo Phận Cần Thơ thôi. Ngài không thể nhờ hay yêu cầu hay chỉ thị cho linh mục hải ngoại vận động tuyên thánh cho Cha Diệp giùm cho ngài được. Linh mục hải ngoại có giám mục địa phận của các Ngài.
2/ Sự thật, Đức Cha Thiên cũng đã có gợi ý cho bên Mỹ giúp ủng hộ chuyện tuyên thánh nhưng lý do kế tiếp cho chúng ta thấy là không thể. Tất cả phải diễn ra âm thầm và trong giới hạn.
3/ Sự thật, Công An Bộ Nội Vụ đã hù dọa tôi và yêu cầu tôi ngưng ngay việc tiến trình tuyên thánh cho Cha Diệp. Họ nói rằng: tôi làm việc phi pháp. Điều nầy chắc chắn đã xảy ra cho Giám Mục Cần Thơ, người đứng đầu trong tiến trình tuyên thánh.
Nên quý Đức Cha, quý Cha, quý cộng đoàn Công Giáo VN. vận động ủng hộ tuyên thánh cho Cha Diệp là điều cần thiết và rất nên làm. Nó hoàn toàn phù hợp với ý của người “muốn mà không nói ra được”. Tôi thấy Đức Cha Đôminicô Mai Thanh Lương có ơn hiệp thông trong hàng Giám Mục khi Ngài cho phép có tượng Cha Diệp trong khuôn viên Trung Tâm Công Giáo Nam Cali và đồng ý dâng lễ giỗ Cha Diệp. Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn văn Long ở Melbourne – Úc Châu cũng đã giới thiệu tôi đến các cộng đồng Việt Nam để nói về tiến trình tuyên thánh Cha Diệp.
Văn thư Đ.C Long hỗ trợ cha Tuyên về tiến trình tuyên Thánh cha Diệp tại Melbourne – Úc Châu.
Có một điều tế nhị nhiều khi sinh nghĩ ngợi cho những chủ chăn có trách nhiệm là: TÀI CHÁNH. Thật sự vận động tuyên thánh không là việc quyên tiền, mà là việc trình bày những gì đang làm, tới đâu rồi…và cần sự yểm trợ bằng lời cầu nguyện, bằng việc làm chứng ơn lành và sau cùng… nếu hoàn cảnh cho phép thì ủng hộ tài chánh tuỳ lòng hảo tâm.
Vấn nạn 2: Cha TBD có được gọi là tôi tớ Chúa chưa?
Tiến trình tuyên thánh có hai giai đoạn lớn: Cấp địa phận và cấp Toà Thánh Rôma.
Ứng viên của tiến trình tuyên thánh sẽ đi dần dần từ bậc thấp nhất là: Tôi tớ Chúa – Bậc Đáng Kính – Chân Phước và Hiển Thánh.
Huấn thị Sanctorum Mater – Mẹ của các thánh – do bộ tuyên thánh ban hành ngày 17.5.2007 ở Tiêu Đề II: Danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo và sức mạnh cầu bầu ở :
Điều 4 triệt §2 “Người Công Giáo trong vụ án phong chân phước và phong thánh được gọi là Tôi Tớ Chúa.”
Điều 5, triệt §1: “Danh tiếng thánh thiện là những ý kiến đã lan truyền nơi các tín hữu về sự khiết tịnh và tính toàn vẹn của đời sống của Tôi Tớ Chúa và thực hành các nhân đức đó một cách anh hùng.
Triệt §: “Danh tiếng tử đạo là những ý kiến đã lan truyền nơi các tín hữu về cái chết của Tôi Tớ Chúa vì Đức Tin, hoặc vì một nhân đức có liên quan đến đức tin.”
Cha Diệp đã được Đức Giám Mục Cần Thơ tuyên bố là Đầy Tớ Chúa ngày 5.1.2012 sau khi Đức Cha địa phận, Cha chưởng lý, Cha chánh án và các chuyên viên đã tuyên thệ trung thành thực hiện tiến trình theo huấn thị Sanctorum Mater của toà thánh.
Nihil Obstat của Thánh Bộ tuyên thánh ban hành ngày 31.10.2014 cũng gọi Cha Diệp là Đầy tớ Chúa “Sanctae Sedis aliquid obsit Causae Beatificationis seu Declarationis
Martyrii Servi Dei Francisci Xaverii Truong Buu Diep,….. Tòa Thánh sẽ nêu ra lý do nào phản đối sự kiện phong chân phước, tức tuyên bố việc tử đạo của tôi tớ Chúa, là Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp…”
Vấn nạn 3: Việc làm phép tượng Cha Diệp có nên và thích hợp không?
1.Làm phép là gì? Theo nguyên ngữ Latinh, làm phép là BENEDICERE – tiếng Pháp – BÉNIR hay BÉNÉDICTION – Tiếng Anh – TO BLESS hay BENEDICTION – Dịch sát nghĩa tiếng Việt là: NÓI LỜI CÁM ƠN CHÚA. Từ đó chúng ta có từ “say grace” trong tiếng Anh khi xin làm phép của ăn. Như vậy làm phép theo thuật ngữ và ý nghĩa tôn giáo là dâng lên Chúa lời cám ơn vì đã ban cho căn nhà, cho chiếc xe hay chuỗi ảnh…Nên linh mục làm phép nhà hay xe cộ, ảnh tượng không có nghĩa là làm cho người hay đồ vật vô tri đó thành thánh – sanctification – mà chỉ có nghĩa là cám ơn Chúa và xin phép lành Chúa ở trên người và đồ vật làm phép để mang ơn ích cho đời sống người Công Giáo. Khi chúng ta nhờ linh mục làm phép tượng Chúa, Đức Mẹ hay các thánh… Chúa là Đấng Cực Thánh, không lẽ Chúa cần linh mục thánh hoá Chúa. Nhưng linh mục nói lời cám ơn Chúa để cho người tôn thờ Chúa qua ảnh tượng Chúa được hướng về Chúa thật. Nên tượng Chúa Giêsu trong nhà thờ dù được làm phép cũng không là Chúa Giêsu. Chúng ta tôn thờ Chúa chứ không tôn thờ ảnh tượng. Nhưng chúng ta tỏ lòng tôn kính ảnh tượng vì giúp chúng ta hướng về Chúa là đấng vô hình.
2. Có nên làm phép tượng Cha Diệp không? Vì Ngài chưa là thánh? Cha Diệp chưa được Giáo Hội tuyên thánh, chứ không nên nói “Ngài chưa là thánh” Chúng ta hay dùng từ “phong thánh” tức làm cho ai đó thành thánh! Không đúng! Ai có quyền làm cho người nào đó thành thánh nếu họ không là thánh? Nên xử dụng từ tuyên thánh để nói là: Giáo Hội tuyên bố bậc đáng kính nầy được liệt vào danh sách các thánh.
Nên chúng ta không ngần ngại làm phép, tức nói lời cám ơn Chúa trên ảnh tượng Cha Diệp, người mà nhiều người đã nhận nhiều ơn lành qua lòng nhân ái của Cha. Vả lại, chúng ta đếm không xuể những ảnh tượng Cha Diệp ở Tắc Sậy… tất cả đã được làm phép trong ý nghĩa dâng lời cảm tạ Chúa mà chúng ta vừa nói trên. Không lẽ ảnh tượng cha Diệp không giá trị bằng tràng chuỗi hay căn nhà, chiếc xe…mà chúng ta xin được làm phép? Di ảnh Ông bà, cha Mẹ chúng ta cũng được làm phép vậy…. Tuy nhiên, cần lưu ý là chúng ta không nên đặt tượng Cha Diệp lên bàn thờ chung với bàn thờ Chúa. Nên đặt Ngài một chỗ thấp hơn như nơi phòng khách, hay chỗ nào mà chúng ta dễ nhìn thấy để cầu nguyện khấn xin.
Vấn nạn 4: Tiền bạc quyên góp thấy nhiều lắm, vậy đi về đâu rồi?
Trên thực tế có những tổ chức tư nhân hay hội, nhóm mở văn phòng vận động tuyên thánh cho Cha Diệp. Những nơi nầy hoàn toàn độc lập với Văn phòng cáo Thỉnh Viên chúng tôi. Chúng tôi không biết gì về công việc của họ. Chúng tôi cũng không có nhận trợ giúp lớn nhỏ nào từ những nơi đó. Riêng Văn Phòng cáo Thỉnh Viên, có nhiệm vụ vận động và chi trả cho chuyên viên ở VN. cũng như tất cả chi phí di chuyển, tìm kiếm chứng từ chứng tích….Thì chúng tôi lại không có chỗ để lập văn phòng và cũng không có cách thức tổ chức để gây quỹ sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, cho đến giờ nầy, chúng tôi không có nhiều, nhưng tạm đủ chi dụng khi cần: chi trả cho các chuyên viên hay cáo thỉnh viên, phó cáo thỉnh viên… Chúng tôi dùng những gì quí ân nhân giúp để phổ biến sách báo, CD, DVD, hình ảnh, niên lịch…nhằm cho mọi người đều nhìn nhận rằng: Cha Diệp rất xứng đáng được tuyên thánh……Nếu có dư… chúng tôi gửi vào trương mục ngân hàng Vatican, chuẩn bị cho tương lai khi cần. Tiền gửi vào đây thấy an toàn lắm!… Tình thật xin bày tỏ rằng: chúng tôi không phản bội sự tín nhiệm và hy sinh của quí ân nhân.
Hy vọng quý Ông bà anh chị em hiểu rõ hơn và thông cảm với chúng tôi trong công việc khá tế nhị và khó khăn nầy. Xin chúa chúc lành cho chúng ta qua lời cầu bầu của Tôi Tớ Chúa, Cha Px. Trương bửu Diệp.
Linh mục Phêrô Trần thế Tuyên, Cáo thỉnh viên – Email: petertuyentran@gmail.com
L.M Tôma Nguyễn hoàng Diệu, phó cáo thỉnh viên – Email: tomadieu@hotmail.com
Vấn nạn 5: Cáo thỉnh viên là ai? Tại sao gọi là cáo thỉnh viên mà không gọi là thỉnh nguyện viên? Nhiệm vụ của Cáo thỉnh Viên?
Ngày 17 tháng 5 năm 2007, Bộ tuyên thánh Rôma đã ra huấn thị Sanctorum Mater, Mẹ Các Thánh, để giúp Giám Mục các địa phận thực hiện tiến trình tuyên thánh sao cho hữu hiệu và đúng qui định của Giáo Luật. Phần I của huấn thị có liên quan đến vấn nạn trên:
Phần I: VỤ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC VÀ PHONG THÁNH có năm tiêu đề với 24 điều khoản.
Phần I, tiêu đề III gồm 3 điều khoản nói về: Thỉnh nguyện viên của vụ án (Petitioner of the Cause)
Điều 9 – Thỉnh nguyện viên xúc tiến vụ án đã được hướng dẫn về các nhân đức anh hùng hoặc về sự tử đạo của Tôi tớ Chúa, đảm nhận nghĩa vụ đạo đức và tài chính của vụ án (20).
Điều 10 – § 1. Thỉnh nguyện viên của vụ án có thể là Giám mục giáo phận hay giáo phụ đông phương đương quyền (ex officio), các pháp nhân, như là các giáo phận Công Giáo hay giáo phận đông phương, các tổ chức tương đương có tư cách pháp nhân, các giáo xứ, các Hội dòng tận hiến hay các tu đoàn Tông đồ hoặc các tu hội tín hữu giáo sĩ và/hay giáo dân được giáo quyền thừa nhận.
Thỉnh nguyện viên của vụ án cũng có thể là một người, nghĩa là, bất kỳ thành viên nào của Dân Chúa, miễn là người ấy có thể đảm bảo sự tiến triển của vụ án trong giai đoạn cấp giáo phận và giai đoạn ở Rôma (21).
Điều 11 – § 1. Pháp nhân hay thể nhân đều được đứng làm thỉnh nguyện viên của vụ án bằng một tài liệu có công chứng.
Đức Giám mục chấp nhận sự việc này sau khi đã xác minh khả năng của pháp nhân hoặc thể nhân đó để đảm nhận các nghĩa vụ gắn liền với vai trò thỉnh nguyện viên.
Ba điều khoản trên cho chúng ta định nghĩa về Thỉnh nguyện Viên như sau:
1.Bất cứ ai cũng có thể làm thỉnh nguyện viên, kể cả các Giám Mục địa phương, địa phận hay giáo xứ, hay một dòng tu hay một hiệp hội các tín hữu… miễn là: biết rõ về danh thơm tiếng tốt của ứng viên tuyên thánh và đảm bảo việc thực hiện tiến trình ở cấp địa phận và Rôma.
Trong vụ án tuyên thánh Cha Trương bửu Diệp, Thỉnh Nguyện Viên là Cha GB. Nguyễn Thanh Bình, cha sở họ đạo Tắc Sậy năm 2011 đã đệ trình thỉnh nguyện thư lên Đức Cha Stêphanô Tri bửu Thiên ngày 15.8.2011
2. Đức Giám Mục địa phận đương quyền, chấp thuận thỉnh nguyện thư và ra bản tuyên bố thực hiện tiến trình tuyên thánh và danh sách Cáo Thỉnh Viên và Phó Cáo thỉnh viên được chuẩn nhận.
Trong vụ án tuyên thánh Cha Px. Trương Bửu Diệp, ngày 25.8.2011 Đức Giám Mục đương quyền của địa phận Cần Thơ, Đức Cha Stêphanô Tri bửu Thiên tuyên bố chấp nhận thỉnh nguyện thư của Cha GB. Nguyễn Thanh Bình cũng như nhìn nhận linh mục Peter Trần Thế Tuyên, Cáo thỉnh Viên và các Phó Cáo Thỉnh Viên: Lm. Giuse Phạm Đức Tuân và Phaolô Nguyễn Văn Vinh
Phần I, tiêu đề IV gồm 8 điều khoản để nói về: Cáo Thỉnh Viên của vụ án (Postulator of the Cause)
Điều 12 – § 1. Bằng văn bản bổ nhiệm theo luật định, thỉnh nguyện viên chọn một biện lý , hoặc cáo thỉnh viên, cho giai đoạn cấp giáo phận của vụ án (22).
Thay mặt cho thỉnh nguyện viên, cáo thỉnh viên theo dõi tiến trình của vụ án cùng với các cấp thẩm quyền của giáo phận.
Chức vụ cáo thỉnh viên có thể được đảm nhiệm bởi một linh mục, một thành viên của một Hội dòng tận hiến, của một tu đoàn Tông đồ, hoặc của một tu hội tín hữu giáo sĩ và/ hay giáo dân, hoặc bởi một giáo dân nam hay nữ.
Cáo thỉnh viên phải là một chuyên gia về thần học, về giáo luật và lịch sử, quán triệt các nguyên tắc của Bộ Phong Thánh (23).
Điều 13 – § 1. Cáo thỉnh viên cấp giáo phận, được thỉnh nguyện viên bổ nhiệm hợp lệ, phải được Đức Giám mục đương quyền phê chuẩn (24).
Văn bản bổ nhiệm cáo thỉnh viên và / hoặc phó cáo thỉnh viên phải được kèm vào hồ sơ điều tra (25).
Điều 14 – § 1. Cáo thỉnh viên giáo phận có thể được thay thế bởi những người khác được gọi là Phó Cáo thỉnh viên.
Phó Cáo thỉnh viên được chính Cáo thỉnh viên bổ nhiệm bằng văn bản theo luật định, sau khi có sự đồng ý của thỉnh nguyện viên (26).
Điều 15 – § 1. Trong tiến trình điều tra này, cáo thỉnh viên hoặc phó cáo thỉnh viên giáo phận phải là người ở trong giáo phận, nơi diễn ra cuộc điều tra.
Trong giai đoạn vụ án ở Rôma, cáo thỉnh viên, được thỉnh nguyện viên bổ nhiệm hợp lệ bằng một văn bản mới theo luật định, phải được Thánh Bộ chấp thuận và phải thường trú tại Rôma (27).
Nếu cáo thỉnh viên giai đoạn giáo phận hay giáo phận đông phương trong vụ án là cáo thỉnh viên chung của một Hội dòng tận hiến, một Tu đoàn Tông đồ hoặc một tu hội tín hữu giáo sĩ và/hay giáo dân nơi Tôi Tớ Chúa sống, cáo thỉnh viên đó vẫn giữ chức vụ của mình ngay cả trong giai đoạn ở Rôma mà không cần một thư bổ nhiệm mới.
Điều 16 – Cáo thỉnh viên của giai đoạn ở Rôma trong vụ án không được phép chỉ định một Phó cáo thỉnh viên thay thế mình để làm việc với Thánh Bộ.
Điều 17 – § 1. Trước hết và trên hết, cáo thỉnh viên phải tiến hành nghiên cứu về đời sống của Tôi tớ Chúa, việc đó hữu ích để biết danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo, danh tiếng về sức mạnh cầu bầu và tầm quan trọng của vụ án đối với Giáo Hội.
Cáo thỉnh viên phải thông báo cho Đức Giám mục đương quyền về kết quả nghiên cứu của mình. Cáo thỉnh viên không được che giấu bất cứ phát hiện ngẫu nhiên nào trái với danh tiếng thánh thiện hoặc tử đạo và danh tiếng của sức mạnh cầu bầu của Tôi tớ Chúa (28).
Cáo thỉnh viên bắt buộc phải hành động vì lợi ích lớn lao của Giáo Hội, và vì thế phải tìm kiếm sự thật một cách tận tâm và trung thực. Cáo thỉnh viên phải chỉ ra những khó khăn tình cờ để tránh phải điều tra thêm sẽ làm chậm trễ tiến độ của vụ án (29).
Điều 18 – Cáo thỉnh viên phải quản lý các khoản tiền được cung cấp cho vụ án theo quy định của Thánh Bộ (30).
Điều 19 – § 1. Cáo thỉnh viên phải chuyển giao cho các chuyên gia về các vấn đề lịch sử và các vấn đề liên quan đến hồ sơ lưu trữ tất cả tài liệu của vụ án mình sở hữu.
Cáo thỉnh viên không thể thu thập theo pháp lý các chứng cứ tài liệu hoặc những lời truyền miệng ngẫu nhiên của các nhân chứng trong vụ án (31).
Nhiệm vụ thu thập các bằng chứng, theo luật quy định, chỉ thuộc về Đức Giám mục giáo phận hay giáo phụ đông phương và những người được bổ nhiệm hợp lệ cho nhiệm vụ này theo những điều được quy định bởi Tông huấn Normae servandae.
Tám điều khoảng trên cho chúng ta định nghĩa về Cáo thỉnh Viên như sau:
1.Không phải bất cứ ai cũng có thể đảm nhận vai trò cáo thỉnh viên, nhưng § 4. Cáo thỉnh viên phải là một chuyên gia về thần học, về giáo luật và lịch sử, quán triệt các nguyên tắc của Bộ Phong Thánh (23).
2. Cáo thỉnh viên phải được thỉnh nguyện viên để cử và Giám Mục đương quyền chuẩn nhận.
3. Cáo thỉnh viên phải học thuộc và nắm vững về ứng viên tuyên thánh. Cáo thỉnh viên phải có tinh thần đạo đức và ngay thẳng trong việc điều tra, cung cấp chứng cớ và cả những thuận lợi và bất lợi của tiến trình cho Giám Mục đương quyền.
4. Giúp cho toà án cấp giáo phận thi hành chức năng sao cho hữu hiệu: cung cấp nhân chứng và tạo điều kiện thực hiện điều tra.
5.Quản lý tài chánh để cung cấp phi tổn việc điều tra cũng như chi trả cho thánh bộ theo yêu cầu. Trong việc thực hiện tiến trình tuyên thánh cho Cha Px. Trương bửu Diệp, linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên đã thoả đáp được những đòi hỏi trên và đã được bổ nhiệm làm cáo thỉnh viên chính thức. Ngày 5.1.2012, Linh mục Phêrô Trần thế Tuyên đã cung cấp cho Toà Án giáo phận Cần Thơ tên 30 nhân chứng cũng như đã giúp thực hiện điều tra thành công. Tài chánh, Cáo thỉnh Viên, bị giới hạn trong việc cung cấp phí tổn quá lớn cho tiến trình điều tra, cũng như chưa có đủ tài chánh cho toàn bộ phí tổn ở Rôma. Tuy nhiên, Chúa sẽ giúp thực hiện chương trình của Ngài và Cha Px. TBD sẽ ban ơn lành cho việc thực hiện tiến trình thành công. Rất tin tưởng!
Vấn nạn 6: Tại sao lại dùng từ “CÁO THỈNH VIÊN” (Postulator) rồi từ “VỤ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC VÀ PHONG THÁNH” (Causes of Beatification and Canonization) chuyện đạo đức mà nghe sao có vẻ “hình sự” quá!
Những từ nầy có trong tông huấn Divinus Perfectionis Magister, do Đức Thánh cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.1.1983 và trong huấn thị Sanctorum Mater, do Thánh Bộ tuyên thánh ban hành ngày 17.5.2007.
CÁO THỈNH VIÊN (postulator) cũng gần giống như thỉnh nguyện viên, nhưng mạnh hơn và liên quan tới pháp lý, tức không là chuyện nài nỉ hay van xin mà là “cáo buộc!” tức yêu cầu và buộc nhà chức trách thi hành luật và mở án tuyên thánh cho ứng viên có danh thơm tiếng tốt, có đầy đủ đức hạnh và có thể được tuyên thánh trong tương lai.
“VỤ ÁN” (causa trong tiếng latinh hay cause trong tiếng Anh hay tiếng Pháp): Sát nghĩa là: Nguyên nhân hay lý do. Đó là chuyện của luật lệ và toà án, chuyện tố tụng, điều tra, thẩm vấn và phán quyết đúng sai. Vụ án không dựa trên tình cảm, văn chương hay cảm xúc mà chỉ trên luật lệ và bằng chứng xác thực mà thôi.
Trong vụ án tuyên thánh Cha Px. Trương Bửu Diệp đã bắt đầu từ năm 2011, yếu tố tuyên thánh không là chuyện nhiều người đến cầu xin và nhận ơn lành hay chuyện nhiều chữ ký yêu cầu tuyên thánh …. Nhưng là: bằng chứng về đời sống đạo đức, yêu thương bác ái và lý do tại sao Cha TBD bị giết chết… ?
Tôi, linh mục Phêrô Trần thế Tuyên có đi đó đi đây để vận động tuyên thánh cho Cha Px. TBD. Vận động là trình bày về tiến trình để kêu gọi cầu nguyện, kêu gọi cung cấp chứng từ chứng tích và kêu gọi yểm trợ tài chánh nếu có thể…. Và tôi không bao giờ kêu gọi xin chữ ký. Chữ ký thường chỉ là vận động chính trị hay bầu cử… còn tuyên thánh, không cần chữ ký mà chỉ cần lời cầu nguyện và có chứng từ, chứng tích… đầy đủ và xác thực như chứng từ hồ sơ Chabalier bên Pháp.
Vấn nạn 7: Cáo thỉnh viên xin tuyên thánh cho Cha Px. Trương Bửu Diệp đã làm được những công việc gì và hoàn tất bao nhiêu phần trăm hồ sơ tuyên thánh rồi?
Cáo thỉnh viên chính thức tức linh mục Phêrô Trần thế Tuyên và các phó cáo thỉnh viên đã làm được những việc sau đây:
1/ Long trọng tuyên thệ lãnh nhận trách nhiệm cáo thỉnh viên.
2/ Ra mắt với Hội Đồng Giám Mục Sàigòn cũng như các Giám Mục liên hệ.
3/ Cung cấp cho Toà án Giáo Phận tên 30 nhân chứng: 13 nhân chứng sống mắt thấy tai nghe – 4 nhân chứng nghe thấy – 13 nhân chứng về danh tiếng đạo đức.
4/ Yểm trợ thực hiện điều tra: cung cấp computer – máy ảnh – máy quay phim … để chuyên viên tìm kiếm, phổ biến thông tin cần thiết
5/ Chi trả cho chuyên viên tìm chứng từ như Cha Nhân đi Pháp tìm hồ sơ Chabalier, Cha Nhân đi Hố Trư, campuchia… Mang nhân chứng sống Bà Lucia Huỳnh thị Nghĩa từ Mỹ về Tắc Sậy….
6/ Yểm trợ tài chánh cho các chuyên viên thực hiện chuyện điều tra hay tìm nhân chứng.
7/ Phát hành hàng năm chục ngàn Đặc San Như Thầy Yêu Thương và Niên Lịch Phụng Vụ Như Thầy Yêu Thương cũng như phát hành rất nhiều DVD nhân chứng ơn lành và CD nhạc về Cha TBD.
8/ Tài chánh:
Còn rất hạn chế vì chỉ nhằm phổ biến Đặc San, tài liệu DVD và CD và chỉ kêu gọi ủng hộ vì lòng hảo tâm.
Tuy nhiên, đã thu xếp để có trương mục ngân hàng Vatican và tích luỹ dần cho những chi phí lớn lao trong tương lai. Không có gì phải lo ngại vì việc Chúa, Chúa sẽ liệu cho chúng ta và Cha Diệp sẽ không bó tay trong chuyện nầy. Tin như vậy cho thêm phấn khởi trong công việc khó khăn nầy.
9/ Ngày 31.10.2014 Thánh Bộ Tuyên Thánh đã ra văn thư NIHIL OBSTAT, tức không có gì trở ngại trong việc tiến hành án tuyên thánh cho Cha Diệp. Cáo thỉnh Viên đã nộp lệ phí 150 EURO cho văn thư NIHIL OBSTAT cũng như đã chuẩn bị một Cáo thỉnh Viên thường trú ở Rôma cho hồ sơ tuyên thánh ở giai đoạn II. Mọi chuyện đã sẵn!
10/ Hồ sơ thu thập, điều tra, phỏng vấn…. đã hoàn tất 80% ở cấp giáo phận Cần Thơ. 20% còn lại là vấn đề dịch thuật và nghi lễ đóng hồ sơ cấp địa phận. Điều nầy nằm trong tay của Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên, Giám Mục Cần Thơ cũng như toà án cấp giáo phận….
Có sự chậm trễ hay e dè…. là do giáo quyền Cần Thơ và hoàn cảnh chính trị chưa cho phép…Cần cầu nguyện nhiều thêm!
Vấn nạn 8: Ai đã giết chết cha Trương Bửu Diệp (Nếu 2 người lính Nhật giết cha) thì lực lượng nào hay người đứng đầu nào đã hạ lệnh giết cha Diệp? Người Nhật, người Cao Đài hay Việt Minh?
Xin trả lời những vấn nạn dựa trên: (1) Hồ sơ Đức Cha Chabalier còn lưu trữ tại Văn Khố của Hội thừa sai Paris ở Pháp ; (2) quyển sách mang tên « Hành Trạng của Đức Giáo Tông Cao triều Phát » do con gái Ông với pháp danh Huệ Khải xuất bản và (3) lời kể của nhân chứng auditu đáng tin là Cha Antôn Vũ Xuân Vinh, người đã tổ chức lễ giỗ đầu tiên cho Cha Diệp năm 1982 và là người đã trực tiếp nói chuyện vối Ông Khu phùng Xuân, người chứng kiến cảnh chém chết Cha Diệp ngày 12.3.1946.
Theo lời kể của Cha Antôn Vũ xuân Vinh :
Chứng kiến cảnh giết Cha Diệp: Ông Kao phùng Xuân, chết năm 1992 đã kể lại cho Cha Antôn Vũ xuân Vinh năm 1982 câu chuyện này: « Ông Cha Diệp là một Ông thánh ! Ông Khu phùng Xuân quả quyết như vậy, vì đêm hành quyết ông có chứng kiến- Hai người lính nhật đào tẩu ở lại VN. đầu quân cho Cao triều Phát – thủ lãnh Cao Đài Giồng Bốm, vì chuyện Cha Diệp ở lại với đàn chiên Tắc Sậy làm cản trở việc kháng chiến của Cao Đài chống lại Pháp, cụ thể là quân đội pháp ở Giá Rai, thường xuyên xuống Tắc Sậy và vùng phụ cận để giữ an ninh cho họ đạo công giáo Tắc Sậy. Ông Khu Phùng Xuân nói, tôi làm lính Cao Đài vì vợ tôi rất sùng đạo Cao Đài….Khi chúng nó trói Cha Diệp và bắt Ngài quì gối bên bờ ao….Tên thứ nhất múa đao mà không chém được. Tên thứ hai uống rượu vào, lấy mã tấu và chém Cha… sau đó đạp xác chết Cha xuống ao…. Cha chết xong họ ra lệnh : « Phải tản cư ngay lập tức, ai còn chần chừ, chúng tao giết không còn con đỏ ! » Bà Trần thị Huồng nghe lính Cao Đài nói vậy.
Hồ sơ Chabalier « Những lá thư chung 1941 – 1947 »
Ngày 12 tháng Ba [1946], cha Diệp, linh mục An-nam (VN), đã bị sát hại vì ngài đã ở lại với giáo dân »
[…] Trong cuộc đi kinh l. vào tháng Tư [1946], ở mỗi chặng đường, tôi đều nghe thấy việc thảm sát một số người uy tín trong cộng đoàn tín hữu của chúng tôi. Từ đó, các vụ ám sát [trang 77] càng gia tăng ; người ta sẽ không bao giờ có thể biết số nạn nhân.
[trang 102] Từ Cà Mau đến Bạc Liêu, tất cả những nhiệm sở nhỏ của chúng tôi chỉ còn là đống đổ nát.
[trang 103] Sóc Trăng… tất cả những cảnh tàn phá này là do phe Cao Đài gây ra, nhưng chính quyền tuyên bố bất lực không thể ngăn cản được những tội ác này.
[…] Nhất là tháng Tư 1946, các vụ ám sát bắt đầu ; xác chết bị ném trôi sông. Liệu người ta có bao giờ đếm nổi số nạn nhân không ? Đôi khi những vụ ám sát tàn ác vô phương tả. Chúng tôi phải thương tiếc cái chết của cha David*, đã nói ở trên ; cái chết của một Cha An-nam, bị sát hại bởi một tên Nhật ly khai, vì Cha đã không muốn bỏ rơi đàn chiên của mình** [trang 108] ; cái chết của hai Sơ người Pháp, bị thảm sát ở vùng Cà Mau…
* Pierre-Marie David, linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, bị lính Nhật chận lại và bị bắn chết ngày 22 tháng Tám 1945 ở Kratié, Campuchia.
** Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp (Xem hồ sơ « Các thư chung 1941- 1947 ».
Lý do gây ra cái chết là vì: cha Diệp, linh mục An-nam (VN), đã bị sát hại vì ngài đã ở lại với giáo dân » Ngày 12 tháng Ba [1946]
Tại sao ở lại với giáo dân mà bị sát hại ? Nói cách khác: Giáo dân Tắc Sậy ở lại Tắc Sậy vì có Cha Diệp. Thời đó, nếu chỗ nào có linh mục công giáo, thì tương đối an toàn hơn vì có quân đội Pháp giữ an ninh – Nên việc ở lại với dân Tắc Sậy của Cha Diệp là một cản trở lớn cho việc kháng chiến chống Pháp. Họ đạo Tắc Sậy nằm gần như ở giữa Giồng Bốm (Bộ chỉ huy của Quân đội Cao Đài do Cao Triều Phát lãnh đạo) và Giá Rai, một quận lỵ có đồn lính Pháp. Ông Ba Lập, đi lính Tây kể là: hàng ngày quân lính cao Đài mặc đồ trắng đi lùng tìmngười Pháp để giết. Nếu gặp quân đội Pháp đông, họ đưa cờ trắng (cờ đầu hàng) để ngườiPháp tha cho họ. Nhưng nếu chỉ có vài lính Pháp thì họ sẽ ra tay sát hại ngay.
Tại sao biết đó là lính Nhật và theo Cao Đài ? bà Trần thị Hường kể : Họ mặc toàn đồ trắng! Thật sự dân chúng bị lùa đi gần cả trăm người và nhốt vào hai lẫm lúa chứ không phải một. Bà Hường không bị nhốt chung với Ông Trần Văn Năng là cha bà. Nên khi bà vừa khóc vừa chạy đi tìm cha mẹ bà…bị một anh lính kề dao vào cổ, bà té bẹp xuống đất….người lính cao đài nói cái gì đó mà bà nghe không hiểu – anh ta là người Nhật !- Người lính khác hỏi bà chạy đi đâu – Bà Hường trả lời: đi tìm Cha tôi….và họ cho bà vô nhốt chung với Ông Bà Trần Văn Năng.
Những dẫn chứng trên đi đến xác quyết: hai người lính Nhật đầu quân cho thủ lãnh Cao triều Phát đã sát hại Cha Diệp ngày 12.3.1946. Nhưng bằng chứng nào cho thấy là hai anh lính Nhật nầy giết Cha Diệp theo lệnh Cao triều Phát ? Chắc một điều là: Hai anh lính Nhật đào tẩu nầy không có thù hằn gì với Cha Diệp. Cũng chắc một điều là: Hai anh đào tẩu trốn lại Việt Nam, chắc chắn không có thân nhân bà con xa gần nào cả. Hai anh nầy, dù có chết cũng không gây chút thương cảm nào cho người còn sống. Họ như cây cỏ đồng nội thôi. Vì thế họ được dùng. Xin nghe lời kể của Ông Nguyễn văn Đức: « Có một người lính Cao Đài tên là Mười Thính nói rằng: Khi nghe báo tin Cha Diệp đã chết thì Cao Triều Phát kêu trời… nhưng sau nầy, chính Cao Triều Phát cho người thanh toán cả Cao triều Thắng và Cao Triều Ngươn là hai anh lính Nhật để bịt đầu mối… »
Sau khi Cha Diệp bị sát hại, bà con tản cư…. Và nhà thờ Tắc Sậy cũng như những nhà thờ và cơ quan hành chánh trong vùng bị Cao Đài đốt phá. Nhiều Quới chức (hội đồng giáo xứ) ở các họ đạo bị thủ tiêu thả trôi sống như hồ sơ Chabalier minh định : « […] Trong cuộc đi kinh lý vào tháng Tư [1946], ở mỗi chặng đường, tôi đều nghe thấy việc thảm sát một số người uy tín trong cộng đoàn tín hữu của chúng tôi. Từ đó, các vụ ám sát [trang 77] càng gia tăng ; người ta sẽ không bao giờ có thể biết số nạn nhân.
[trang 102] Từ Cà Mau đến Bạc Liêu, tất cả những nhiệm sở nhỏ của chúng tôi chỉ còn là đống đổ nát.
[trang 103] Sóc Trăng… tất cả những cảnh tàn phá này là do phe Cao Đài gây ra, nhưng chính quyền tuyên bố bất lực không thể ngăn cản được những tội ác này.
[…] Nhất là tháng Tư 1946, các vụ ám sát bắt đầu ; xác chết bị ném trôi sông. Liệu người ta có bao giờ đếm nổi số nạn nhân không ? Đôi khi những vụ ám sát tàn ác vô phương tả. Chúng tôi phải thương tiếc cái chết của cha David*, đã nói ở trên ; cái chết của một Cha An-nam, bị sát hại bởi một tên Nhật ly khai, vì Cha đã không muốn bỏ rơi đàn chiên của mình** [trang 108] ; cái chết của hai Sơ người Pháp, bị thảm sát ở vùng Cà Mau…
Căn cứ trên những chứng sử nầy, chúng ta sẽ đồng ý với Cha Roland Jacques : « Mỗi lần nhắc đến cái chết của Cha, người ta đều đưa ra một lý do đặc biệt : « Vì ngài đã ở lại giữa đàn chiên ». Chưa bao giờ người ta ám chỉ Việt Minh đã gây ra hay hạ lệnh giết chết ngài. Từ 1946-1947, kẻ sát hại đã được khẳng định : « Một tên Nhật ly khai ».
Đúng vậy, không có bằng chứng cho thấy có bàn tay của Việt Minh trong cái chết của Cha Diệp.
Vấn nạn 9: Một trong 3 lực lượng (Người Nhật, người Cao Đài hay Việt Minh) đã giết cha thì có chứng cớ nào xác minh là họ giết cha vì ghét đạo Công giáo hay chỉ vì tình hình xôi đậu của các lực lượng đối kháng nhau tại Tắc sậy lúc ấy mà cha Diệp chỉ là nạn nhân của chiến tranh như bao nhiêu người dân vô tội khác mà thôi ? tiêu diệt quân đội pháp
Trên bức ảnh của Cha TBD ghi: tử đạo ngày 12.3.1946. Rõ ràng hơn, nên ghi: Chết thay cho đàn chiên ngày 12.3.1946.
Hai anh lính Nhật chắc chắn không có thù ghét gì Cha Diệp và đạo công giáo. Thủ lãnh Cao đài, Ông Cao Triều Phát cũng không có thù ghét đạo công giáo theo nghĩa chống đạo hay tiêu diệt đạo như các vua chúa Việt Nam ngày xưa.
Tuy nhiên có một điều chắc: Vì chính trị, vì quyết tâm tiêu diệt quân đội Pháp mà thủ lãnh Cao Triều Phát phải cho lệnh sát hại Cha Diệp như muốn khử trừ một « chủ chiên nhân hậu và can cường » làm nơi bám giữ cho đàn chiên Tắc Sậy. Nên Đức Cha Chabalier đã quả quyết là « Ngày 12 tháng Ba [1946], cha Diệp, linh mục An-nam (VN), đã bị sát hại vì ngài đã ở lại với giáo dân »
Ngoài yếu tố chính là « ở lại với đàn chiên ! », Cha Diệp còn có những giao du với người Pháp. Theo bà Lucia Huỳnh thị Nghĩa ở San Jose kể thì: Có một gia đình người Pháp về nước để lại chiếc xe traction đậu trước nhà xứ. Dù không là của Cha và Cha cũng không xử dụng xe hơi… nhưng ít nhiều cũng là dấu chứng của việc « thân Pháp » chăng ? Bà Lucia Huỳnh thị Nghĩa cho biết thêm: Cha Diệp có cây súng hai nòng để giúp dân chúng xua trừ bọn cướp… như có lần Chệt Khọt, tên một người Tàu khá giả vùng đó… bị cướp, người ta la làng…. Cha Diệp bắn lên 1 phát súng… bọn cướp bỏ chạy….Đây là những việc làm vì long nhân, nhưng cũng là dấu « thân Pháp » chăng ?
Trong tám giáo điềm có nhà thờ… có đồn điền của Ông tây tên Cambot…. Là một trong những nơi mà Cha Diệp đến dâng lễ….Dù thực lòng Cha Diệp là một mục tử sống chết vì đàn chiên…. Nhưng không tránh khỏi việc làm ngứa mắt người ghét Tây hay chống Pháp. Yếu tố để tử đạo: Bị giết chết vì người ta ghét đạo như trường hộp 117 Thánh Tử Đại Việt Nam. Tuy nhiên có những vị thánh tử đạo đã không chết vì đạo hay vì người ghét đạo mà chết vì những nhân đức của đạo:
Thánh Maria Goretti, trinh nữ tử đạo (16.10.1890 – 6.7.1902) Thánh nữa bị giết chết vì anh thanh niên Alexander, người hàng xóm cuồng dâm. Thánh Maria Goretti tử đạo, vì bị giết chết vì nhân đức của đạo: Nhân đức khiết tịnh
Thánh Maximilan Kolbe (1.8. 1894 – 14.8.1941) . Trong trại tập trung Đức Quốc Xã ở Auschwitz, Ba Lan, Cha đã xin chết thay cho anh Phanxicô, người bắt trúng thăm trong số 10 người chết thay cho anh tù vượt ngục. Cha được gọi là thánh tử đạo ngày 10.10.1982, không phải chết vì đạo, nhưng chết vì nhân đức của đạo: Đức Bác ái – hy sinh chết cho người khác.
Nên Cha Diệp hy vọng sẽ được gọi là thánh tử đạo, Cha không chết vì đạo. Người giết Cha cũng không ghét đạo, nhưng Cha chết vì nhân đức của đạo: đức bác ái, hy sinh mạng sống cho người khác như Chúa Giêsu, chết cho nhân loại, như Cha Maximilian Kolbe, chết thay cho Ông Phanxicô… Cha Diệp chết thay cho con chiên bổn đạo của mình. Bà Hường kể: Người ta chất rơm rạ trên nóc lẫm lúa và thiêu sống hết tất cả…. Cha Diệp hy sinh thế mạng cho con chiên.
Vấn nạn 10: Nếu cha Diệp bị chém bởi 2 người lính Nhật đào ngũ gia nhập lực lượng Cao Đài, thì đã xác định được là lực lượng Cao đài chủ trương giết cha Diệp. Vậy động lực nào Cao đài giết cha và có những chứng cớ thuyết phục nào họ giết cha vì ghét đạo? Như thế lực lượng Việt Minh (Việt Cộng) lúc bấy giờ có phải là vô can trong cái chết của cha Diệp?
Trong « Ghi chú cuối cùng của cha Roland Jacques » về hồ sơ Chabalier có nói : « Mỗi lần nhắc đến cái chết của Cha, người ta đều đưa ra một lý do đặc biệt : « Vì ngài đã ở lại giữa đàn chiên ». Chưa bao giờ người ta ám chỉ Việt Minh đã gây ra hay hạ lệnh giết chết ngài. Từ 1946-1947, kẻ sát hại đã được khẳng định : « Một tên Nhật ly khai ».
Đây là chuyện căn cứ trên sử liệu. Sử liệu chỉ ghi nhận những gì đã xảy ra và minh nhiên. Còn chuyện hậu trường có thực nhưng không bằng chứng minh nhiên thì không quyết đoán được.
(1) Thí dụ: Thiếu tá Nguyễn Văn Nhung là một sỹ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Là cận vệ của tướng Dương Văn Minh, ông nổi tiếng vì có vai trò trong cuộc đảo chínhlật đổ Ngô Đình Diệm tháng 11 năm 1963. Trong cuộc đảo chính 1.11.1963 này, Nguyễn Văn Nhung được cho rằng là người đã giết chết Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
Đọc đoạn văn trên không ai tin rằng kẻ chủ mưu sát hại Ông Diệm và Nhu là thiếu tá Nhung. Thật ra thiếu tá Nhung cũng giống như anh lính Nhật giết Cha Diệp thôi. Ai là người chủ mưu?
(2) Thí dụ khác: Lúc 12 :30 trưa ngày 22.11.1963 Tổng Thống Joh Kennedy bị LeeOswald bắn chết ở Dallas, Texas. Rồi sau đó Jack Ruby thủ tiêu Oswald trước khi xét xử. Thế là thủ phạm vụ án Kennedy bị nhận chìm. Cho tới bây giờ không ai biết tại sao Oswald lại giết tổng thống Kennedy, không thấy một nguyên nhân nào cả. Rồi tại sao Jack Ruby lại bắn chết Oswald ? Ai cũng biết kẻ chủ mưu đằng sau tay súng Oswald….nhưng không có bằng chứng minh nhiên, không nói ra được.
Anh lính Nhật đào tẩu Cao Triều Thắng chắc chắn không có thù hằn gì với Cha Diệp. Kẻ chủ mưu giết chết Cha phải là thủ lãnh của anh lính Nhật nầy. Người ta nói đến lãnh tụ tối cao của Cao Đài Giồng Bốm lúc bấy giờ là Ông Cao Triều Phát….Đi xa hơn chúng ta thấy trong quyển Hành Trạng của Đức Giáo Tông Cao Triều Phát do con gái Ông với pháp danh Huệ Khải ghi những chi tiết sau :
22-8-1945: Tiền Bối Cao Triều Phát làm chủ tịch Uỷ Ban Giải Phóng Dân Tộc Tỉnh Bạc Liêu.
01-10 đến 30.9.1945: Tiền Bối Cao triều Phát làm chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân Tỉnh Bạc Liêu.
Tháng 02-1946: Tiền bối Cao Triều Phát làm cố vấn quân sự tối cao quân khu 9.
25-4-1949 : Tiền bối Cao Triều Phát được tặng huân chương độc lập hạnh nhì, do quyết định số 32.SL, chủ tịch Hồ chí Minh ký.
09-9-1956 (05-8 Bính Thân): Lúc 2 giờ chiều tiền bối Cao Triều Phát quy thiên tại bệnh viện B303 – Hà Nội. … Chủ tịch nước Hồ chí Minh, chủ tịch quốc hội Tôn đức Thắng, thủ tướng Phạm văn Đồng kính viếng với ba vòng hoa, đều có hàng chữ « Vô cùng thương tiếc cụ Cao triều Phát ! »
Những dẫn chứng trên cho thấy rằng: tiền bối Cao triều Phát thủ lĩnh của Cao Đài Giồng Bốm người rất yêu nước như nhiều người nhìn nhận…Ông xả thân chống pháp, và có lần ông bị thương nặng ngay trong trận địa Giồng Bốm…. nhưng rồi những diễn tiến chính trị cho thấy tiền bối đã có một gắn bó chặt chẽ và một liên kết mật thiết với chính quyền Việt Minh nhen nhúm ở Miền Nam lúc bấy giờ, cũng như Đảng Cộng sản VN do Hồ chí Minh lãnh đạo.…Có một số bức hình cho thấy tiền bối đã vào bưng kháng chiến chống Pháp và gắn bó với những lãnh tụ cộng sản.
Cần suy nghĩ thêm về lý do tại sao Đức Cha Emmanuel Lê Phong Thuận, sinh ngày 2.12.1930 Cồn Phước, An Giang làm Giám Mục chính toà Cần Thờ từ 1990-2010 dứt khoát không xúc tiến hồ sơ tuyên thánh Cha Px. TBD. ?
Lưu ý quan trọng: Giáo Hội Công Giáo khi thực hiện tiến trình tuyên thánh cho bất cứ ai là người Công Giáo và có đức hạnh đáng ca tụng thì chỉ nhắm vào một mục đích: Tôn vinh Thiên Chúa qua những vị thánh, là những người như chúng ta, nhưng đã sống chết vì đức tin và đáng nêu gương cho chúng ta. Tiến trình tuyên thánh rất chú trọng yếu tố khách quan và sự thật. nên phải điều tra cặn kẽ. Tuy nhiên…. Giáo Hội và những chuyên viên thực hiện án tuyên thánh không hề có ý khơi quật quá khứ để kết án người nầy hay trù dập người khác vì gây ra cái chết cho các thánh nhân.
Không ! Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Giáo Hội phải thể hiện lòng thương xót và tha thứ qua tiến trình tuyên thánh… Các vua chúa VN từng ghét đạo và giết chết người có đạo…. nhưng đó là chuyện quá khứ… vì nhờ máu các thánh tử đạo mà thêm đông đảo con cái Chúa.
Không có gì để phải duy trì ân oán trong những biến cố lịch sử nầy.
Văn phòng cáo thỉnh.