THƠ & TRUYỆN


THƠ CHÚC MỪNG NGÂN KHÁNH CHA PHÊRÔ TRẦN THẾ TUYÊN

22/01/1993 – 22/01/2018

Con thấy Cha, mỗi ngày trong áo Thánh

Dâng lễ trên bàn thờ với hoa nến ngát thơm

Từng Lời của Chúa, Cha viết thành thơ lục bát

Bài thơ gọn gàng, tóm lược ý Chúa ban

Cha còn sáng tác bài “ĐẸP THAY BÀN TAY LINH MỤC”

Con nghe hoài, suy ngẫm về ƠN THIÊNG

Về bài viết: “Gánh nước lên đồi và Người xe đạp ôm”

Con khóc âm thầm, thương Cha đời Mục Tử!

Con nhớ lại nhiều lần, nghe câu nói:

“Chúa nâng con lên hàng Khanh Tướng”!

Chỉ dâng lễ trên bàn thờ và cầu nguyện sớm hôm

Con cứ tưởng…Các ngài là Đấng Thánh!

(Đấng Thánh thì chắc…không khổ như chúng con)

 Con vừa nghe lại, bài Thánh ca cha sáng tác

Từng nốt nhạc dịu dàng, cha rải xuống hồn con

Đời tận hiến, trung kiên và phó thác

Cha gieo xuống những hạt mầm nhân đức

Cho khu vườn bác ái thêm xinh tươi 

Con ngồi nơi đây, dù nghìn trùng xa cách

Nhưng bỗng hoá gần vì phó thác, cậy trông

Cha là ánh sáng cho hoa lành đơm trái

Là tình thương phản ánh, đời Giêsu

Cha hãy tin, mỗi ngày trong cuộc sống

Đoàn con đây, dâng lời nguyện chân thành:

“XIN CHA SỐNG VẠN AN NHIỀU NĂM NỮA

DẪN ĐOÀN CON VUI BƯỚC VỀ QUÊ TRỜI”

Trọng kính tặng cha bài thơ vụng về của con, nhân kỷ niệm 25 năm Lễ Ngân Khánh của Cha.

Ca viên

NT


DI CHÚC ĐỂ LẠI.

Image result for st margaret mary's church croydon park

“Giáo xứ vừa nhận được thừa kế từ bất động sản 165.400$ (một trăm sáu mươi lăm ngàn bốn trăm đồng), của người quá cố: Ông Buddy Burkhardt”…

Tôi đặt tờ tin xuống, nghe tim mình đập mạnh, rồi lại cầm tờ tin lên đọc lại một lần nữa:…”Chắc quý vị đi Lễ tại St Margaret Mary và Mater Dei sẽ nhớ ông, người săn sóc cho vườn hồng, và luôn đọc kinh Mân Côi, trong lúc làm việc, ông vừa qua đời…Xin Chúa thưởng công cho Ông trong sự dâng hiến của mình cho Giáo xứ”..

Đặt tờ tin lên chiếc bàn thờ nhỏ, trong phòng khách nhà mình, tôi quỳ xuống định đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn ông, sớm được vào Thiên Đàng, chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa. Nhưng tôi không sao tập trung được. Trong tâm trí tôi, ông Buddy vẫn sống, vẫn hiện diện rõ ràng, bằng cả con người và tâm hồn ông.

Ông người nhỏ nhắn, thích mặc áo trắng và đeo nơ, chiếc nơ đen luôn nằm trên cổ áo, khi đi lễ.

Có những ngày trong tuần hay thứ bảy, tôi đến nhà thờ Thánh Margaret Mary rất sớm để tham dự Thánh Lễ hay xưng tội. Tôi thấy ông lúi húi bên các khóm hồng. Ông lặng lẽ làm việc, mắt ông nhìn ngắm các khóm hoa hồng, đủ màu sắc, tay cầm kéo tỉa, ông nhẹ nhàng cắt bỏ các lá úa, hoa tàn thì ông cắt sát cuống, rồi xé nhỏ các cánh hoa và rải đều chúng xuống gốc cây, miệng ông đọc kinh nho nhỏ, sau này thuộc thêm kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh bằng tiếng Anh, tôi nghe loáng thoáng và biết ông đang lần hạt Mân Côi trong lòng. Tôi  nhìn ông làm việc và gật nhẹ đầu chào ông, khi ông nhìn thấy tôi.

Một buổi sáng, sau khi đưa con gái và các em học sinh đến trường, trên đường quay về nhà, tôi đậu xe ở lề đường gần nhà thờ và nhanh chân rảo bước về hướng nhà thờ Thánh Margaret Mary để tham dự Lễ sáng.

Đi bộ gần đến cổng nhà thờ, mùi hoa hồng thơm ngát, nhẹ nhàng bay vào mũi, tôi ngước mặt lên cao, ánh sáng ban mai màu vàng nhạt, trong vắt chiếu xiên xiên xuống vườn hồng và mặt tiền nhà thờ. Tôi đã bước đến giữa sân nhà thờ, hai bên tay trái và phải, nằm sát tường rào thấp là các khóm hồng. Cơn gió mát đầu xuân ập đến, mơn man trên mặt, hất tung mái tóc, các khóm hoa đầy màu sắc kia cùng rung rinh, chuyển động, như thẹn thùng nhưng vui sướng trước cái vuốt ve bất ngờ của làn gió, chúng tỏa hương thơm ngào ngạt, lần này không thoang thoảng nữa, mà thật nồng nàn, mạnh mẽ.

Tôi dừng chân, đứng yên hưởng thụ “CẢNH THIÊN ĐÀNG”! Tôi ngây ngất choáng ngợp trước cảnh đẹp và để tâm hồn nặng nề của mình được nâng lên, tận hưởng ân thưởng của thiên nhiên, từ trời cao tuôn đổ. Hít thật sâu hương thơm thanh khiết trong không khí, tôi ngửi thêm được mùi cỏ non mới cắt ở sân trường bên cạnh, mùi gỗ mục được phủ trên các gốc hồng và các gốc cây cổ thụ trong sân… Tất cả, như dàn hợp xướng được tấu lên bởi người điều khiển vô hình, chúng đồng loạt và hợp nhất trong gió, trong ánh nắng ban mai huy hoàng, trong tiếng chim hót líu lo trên cành cây. Tôi thấy mình như người lữ khách, trở về quê hương và đang đứng giữa đồng lúa mênh mông, bát ngát trên mẫu ruộng quê mình, tôi muốn giang rộng hai tay để giữ lấy bức tranh sống động, đẹp tuyệt trần này hay nói cách khác, tôi như người đang đói khát, được ngồi trước mâm cao lương mỹ vị, mà không dám động đậy, vì bữa ăn được chiêu đãi cách bất ngờ này. Tiếng động cơ của xe buýt ngừng lại trước trạm dừng, ngay phía ngoài đường lớn,  tôi trở về hiện thực và bước nhanh vào nhà thờ.

Vào trong, tôi cúi đầu trước tượng ảnh Chúa Giêsu, đốt lên ngọn nến nhỏ đặt dưới chân Mẹ Maria. Rồi tôi nhón chân lên, sờ cho được vết đinh trên bàn tay Chúa Giêsu, cảm ơn hai Đấng vừa “thưởng” cho tôi cảnh đẹp mà trong cuộc đời hèn mọn của mình, lần đầu tiên tôi biết trân quý cảnh đẹp thiên nhiên và tạ ơn vì cảm phục bàn tay tạo đựng vũ trụ của Thiên Chúa. Tôi thấy mình như được nâng lên, nhẹ nhàng như cánh diều được tự do bay lượn trên bầu trời xanh trong… Và tôi quên ông, ông Buddy ạ! Tôi quên người đã cần mẫn cúi xuống, chăm sóc từng gốc hồng, nhổ bỏ từng cọng cỏ dại, từng chiếc lá khô, cho khóm hồng được khoe mình, tuyệt mỹ trong ánh nắng và dâng hiến hương thơm ngào ngạt cho người, cho đời. Nhưng tôi không quên cái cách ông lầm thầm trong miệng, từng lời kinh Kính Mừng dâng lên Mẹ, mỗi giờ, mỗi ngày là tràng hạt Mân Côi nối dài, được kết hợp với hương hoa dâng lên Mẹ, hình ảnh này luôn tỏa sáng trong tôi. Tự lúc nào không biết, trong chiếc xách tay của mình, tôi luôn mang theo tràng hạt Mân Côi, để khi đến nhà thờ sớm thì lần chuỗi dâng lên Mẹ trước giờ Thánh Lễ.

Sau lần được tận hưởng chiêm ngắm bức tranh Thiên Đàng đó, tôi không bỏ sót một buổi Lễ nào mà tôi có thể tham dự. Một cách tích cực, nhiệt thành, tôi trở lại nôn nao, tìm kiếm cảnh THIÊN ĐÀNG một lần nữa, nhưng chưa bao giờ được gặp lại! Từ sau lần được thấm đẫm hương thơm và ánh sáng như ơn sủng đó, tôi thấy mình như con nai chạy tìm dòng suối mát. Mỗi lần đi bộ vào sân nhà thờ, tôi cố ý đi nhẩn nha, chậm rãi và cố hít cho căng đầy buồng phổi cái hương thơm ngào ngạt từ các đóa hồng, mùi gỗ mục, quyện lẫn mùi đất ẩm và mùi cỏ non mới cắt, cùng hòa quyện trong nắng và không khí nhưng tuyệt nhiên, sự trộn lẫn tuyệt vời này, không có lần thứ hai!

Thời gian trôi qua đi, tôi vẫn đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ thường xuyên. Các lần được gặp ông thưa dần, thưa dần, rồi vắng hẳn. Hôm nay đọc trong tờ tin, ông đã qua đời và để lại di chúc bất động sản cho Giáo xứ. Cả cuộc đời ông, là sự cho đi trong khiêm nhu, nghèo khó và cầu nguyện liên lỉ. 165.400$, số tiền dâng hiến thật không nhỏ, lại càng lớn biết bao với những cánh cửa vừa dày vừa khép kín! Vậy mà nó đến từ ông Buddy, người có đời sống bình dị, khép kín đến độ tôi ngạc nhiên về “kho tàng” mà ông dành cho Giáo Hội, cho nhà Chúa.

Còn tôi, tôi mang ơn ông rất nhiều, chính ông đã cho tôi một bức ảnh tuyệt đẹp về Đức Tin, để mặc lấy chiếc áo Thánh, mọi nơi, mọi lúc, trong công việc hằng ngày, về một thói quen không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu: Cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi!

“Cảm ơn ông Buddy! Ông hãy đi trong niềm vui và bình an như ông đã có sẵn” Tôi sẽ nhớ mãi ông trong mỗi lần cầu nguyện, khi tôi đến nhà Chúa và nhất là:

Tôi lại nhìn thấy ông, đang lần chuỗi Mân Côi, trong mỗi đóa hoa hồng xinh xắn.

Chào tạm biệt, ông Buddy kính mến!

GT


LÂU ĐÀI TÌNH ÁI (Bài viết về một nơi cho tôi NIỀM VUI)

Sau Lễ Giỗ lần thứ 71 của Cha Trương Bửu Diệp, các anh chị bên Hội Ái Mộ Cha Diệp, tổ chức đi cắm trại. Hai anh chị là thành viên của Hội có nhà nghỉ tại Wallaroo và chúng tôi, nhóm nhỏ ca đoàn Thánh Patrick cùng tham gia, lên đường.

Xe chạy khoảng gần hai giờ thì đến nơi, cảnh biển hiện ra thật gần với căn nhà mới, xinh xắn, trong khu nhà nghỉ Copper Cove. Giống với hầu hết các ngôi nhà khác, trong khu nhà nghỉ này,  ngôi nhà nào cũng có mặt tiền với lối kiến trúc đẹp, thu hút cái nhìn của du khách. Chúng tôi xuống xe, mọi người đều chỉ mang một túi nhỏ hành lý vì kỳ nghỉ ngắn ngày và tại ngôi nhà như khách sạn Mini này, anh chị chủ nhà, trang bị không thiếu thứ gì. Ba chị em chúng tôi được hướng dẫn đi xem các phòng. Nhà có 3 phòng ngủ chính, phòng khách với tivi và bộ salon, ở vị trí  trung tâm của ngôi nhà, rộng rãi, tất cả các phòng đều lót thảm, màu nâu nhạt. Chúng tôi vào một phòng, do anh chị sắp đặt trước, các giường được sắp xếp gối, chăn tươm tất và sạch sẽ, chúng tôi thấy hài lòng và thoải mái trong ngôi nhà nghỉ mới toanh này.

Chúng tôi trở ra và xuống bếp, phòng bếp thật thoáng rộng với lối kiến trúc mới, nơi đây có: bàn chơi bida chễm chệ chiếm hết một góc phía tay mặt, ở góc trái là bộ salon bằng da màu xám nhạt, cũng lớn, cân xứng như bàn bida, đặt vây quanh chiếc tivi, các trẻ con và các bà mẹ của chúng đang cùng nhau quay quần, thích thú vì được dịp vui đùa, chuyện trò bên nhau trong không gian thân thiết này. Sink rửa chén như một quầy bar nhìn ra phía sau nhà, tầm nhìn tôi dừng lại phía trên chiếc cửa slidedoor, cửa sau của ngôi nhà, tôi ngước nhìn lên, sát với góc trái khung cửa, tôi nhìn thấy tấm ảnh nhỏ, hình Cha Trương Bửu Diệp! Tấm ảnh với cái nhìn thẳng thắn, trực diện cách bất ngờ, tôi đứng yên nhìn Cha, lòng thực sự ngưỡng mộ và xúc động. Anh chị chủ nhà thật sự chu đáo, đến tỉ mỉ từ việc Đạo cũng như Đời, tôi mỉm cười với Cha Diệp và nghe lòng ấm áp khi thấy ảnh Cha, cách bất ngờ này…

Bước ra cửa sau, dưới veranda, dãy bàn dài được chuẩn bị với các món ăn cho buổi tối, cảnh trước mặt tôi thật thơ mộng và lôi cuốn, tôi nhanh chân băng qua khoảng sân nhỏ, với  cây cảnh xanh tươi trồng hai bên sân, tôi bước xuống những bậc tam cấp bằng đá và xuống đến cầu nổi. Nước biển từ ngoài biển lớn được khai thác và dẫn vào đây như con sông nhỏ, các nhà hai bên “sông nhỏ” này ( tôi thích gọi sông nhỏ hơn là biển) đều có chiếc cầu nổi trên mặt nước, phía sau mỗi nhà giống nhau. Tôi đứng hẳn trên cầu nổi, thích thú với cơ thể được nâng lên, hạ xuống, nhè nhẹ theo từng đợt sóng , dưới nước, các anh đặt những giỏ lưới có gài mồi bên trong, để bắt ghẹ. Một anh cầm lấy cọng dây kéo chiếc giỏ bắt ghẹ lên, đã có 4, 5 chú ghẹ vào nằm sẵn trong đó, cộng với 5 chú bắt được, nơi một giỏ khác và các chú ghẹ bắt được trước lúc chúng tôi đến,  anh nói: “Đủ cho cả nhóm mình “nhậu” tha hồ tối nay rồi”! Một buổi tối thật vui vẻ với các món ăn do các chị chuẩn bị sẵn từ nhà, thêm phần ” hải sản” ghẹ luộc chấm muối tiêu chanh..như cây nhà, lá vườn. Tôi bước xuống chiếc cầu nổi, tiếng cười vui, ca hát, hòa nhịp theo tiếng đàn..tất cả âm thanh rộn ràng, xôn xao này như được rải dài trên mặt dòng sông, tôi thấy mình là cô gái đang ngồi trên chiếc ghe nhỏ, chèo ngược về dòng sông trên quê hương mình, thật tuyệt vời với cảnh đêm và gió mát tại đây, những đau nhức của người này, hay mệt mỏi của người khác, tiêu tan đâu mất hết, họ hít sâu vào lồng ngực làn gió biển, nghe tâm hồn nhẹ nhàng, sảng khoái…

Buổi sáng, chúng tôi háo hức dậy sớm, cùng nhau tản bộ, đi khoảng nửa cây số là  ra biển lớn! Dọc đường, chúng tôi gặp những người dân đang sống nơi đây, họ cười chào thân thiện, đa số là người lớn tuổi, họ sống tại đây để hưởng thụ không khí trong lành, cảnh biển với những làn sóng xanh xa xa, từng cơn gió mát từ biển khơi thổi vào. Tôi  như mê man với sự “đãi ngộ hậu hỹ” từ vẻ đẹp thiên nhiên mà Thiên Chúa ban tặng cách tuyệt vời cho con cái Người.

Chúng tôi được các anh chở ra cầu Jetty, xem các anh câu cá, có rất đông người đang đứng dọc theo hai bên cầu và thả cần câu xuống biển. Các anh câu được hai con cá hồng, một con mực lớn, nửa sô ghẹ. Cùng với hơn 2 kg cá các anh câu tại cầu nổi ở nhà Chị em lại xúm vào, nấu nướng và cùng ăn cơm trưa, bữa cơm đầy ắp tiếng cười, sau đó nhóm chúng tôi ra về trước, cho kịp giờ tập hát Thánh Lễ sáng Chúa Nhật tại Adelaide. Chúng tôi cũng được biết sẽ có nhóm trẻ khác booking để vào nghỉ tại ngôi nhà này, vào dịp cuối tuần

Tạm biệt nhé, ngôi nhà với những người bạn trẻ tài giỏi và đầy lòng nhân ái của Hội Cha Trương Bửu Diệp, đặc biệt Anh chị chủ nhân ngôi nhà này, sự tiếp đón vui vẻ và chân tình của cả hai, đã cho chúng tôi một kỳ nghỉ thú vị, một kỷ niệm đẹp, khó quên.

Tôi vào phòng bếp, nhìn lên ảnh Cha Diệp, tôi chào Cha, cảm ơn Cha và mong ước sẽ quay lại đây vào dịp nghỉ gần nhất: LỄ PHỤC SINH.

ĐỜI NGẮN NGỦI, ĐƯỢC BAO LẦN HỌP MẶT?

CỨ VUI ĐI, TUỔI XUÂN SẮP HẾT RỒI..

Giáng Thu


Related image

Tôi hãm ga và từ từ cho xe quẹo trái vào driveway, nhìn thấy con gà mái đứng trong góc trái sân nhà.

Đậu xe vào garage, tôi nhanh chóng trở ra sân và nhìn ngắm con gà đi lạc này: Dáng vẻ to, cao, bộ lông màu nâu đỏ, nổi bật dưới thân mình là hai chân màu vàng nhạt, to khỏe với những bước đi vững chãi và chùm lông đuôi, với những chiếc lông dài cong cong, óng ả. Con gà mái tơ này, cho tôi hình ảnh một cô tiểu thư trẻ, thật duyên dáng, nét khoẻ mạnh của tuổi thanh xuân. Tôi chầm chậm tiến đến gần hơn, lạ thay, cô (con gà) vẫn đứng yên, hai mắt tròn, đen long lanh nhìn tôi, cái đầu nghiêng nghiêng như để tầm nhìn được rõ ràng hơn: ” Ai đang đến với tôi đây”? Nét lo lắng lộ rõ bằng những bước chân đi qua lại gấp gáp, khi tôi đến gần hơn, cô bắt đầu kêu, không lớn lắm, nhưng tôi biết cô đang sợ hãi và tìm đường thoát thân! Tôi dừng lại và quay vào nhà.

Tôi nói cho các con tôi biết: “Có một con gà đang ở ngoài sân nhà mình, chắc một lát, chủ nó sẽ tới tìm nó thôi”! Ba cô con gái của tôi nhốn nháo chạy ra sân, cùng thốt lên: “Ồ, con gà đẹp qúa hả Mẹ? Có phải của Ông Michael không”?. ” Mẹ cũng nghĩ chắc là của ổng, nhưng ông kỹ lắm mà, sao nó chạy qua nhà mình được, một chút nó bớt sợ, Mẹ tìm cách trả nó về chuồng”. Ba cô con gái của tôi cùng ra sân phụ mẹ bắt gà để trả lại ông hàng xóm cạnh nhà, ông nuôi gà đẻ, để lấy trứng và đỡ buồn vì ông sống đơn độc, cạnh nhà tôi. Tiếp cận con gà lần này, tôi có kinh nghiệm hơn, để cho con gà thấy tôi gần gũi hơn, tôi vừa đi, vừa nói chuyện..làm quen: ” Nào đến đây, cho ba chị nựng nịu em một chút, rồi cho em về nhà nhé, không sợ, không sao cả”… Lạ thay, lần này cô không phản ứng mãnh liệt như lúc nãy, cô có những bước đi ngắn vì các con tôi vây quanh, rất nhẹ nhàng, cô cảm nhận được sự an toàn qua giọng nói và thái độ của chúng tôi chăng?  Tôi tiến sát và ôm cô công nương bằng hai tay, dễ dàng và các con gái tha hồ ngắm vuốt, một lát thỏa thuê, tôi ôm cô bước qua nhà ông Michael để trả, ông đáp tỉnh khô: “Không phải gà của tôi, có thể của bà Maria”!  Rồi ông đóng cửa, tôi ôm công nương vào sát hông, nghe trái tim nó đập rõ ràng, đầy sự ngỡ ngàng và lo lắng. Rồi tôi đi tiếp sang nhiều nhà khác, không ai nhận cả, cháu gái bà Maria nói :” Nó là của cô, cứ cho nó vào nồi, là xong chuyện”!

Trời tối dần, tôi ôm công nương của tôi trở về nhà, tôi bắt đầu ái ngại cho hoàn cảnh của cô, “Làm sao đây, cô gái trẻ ơi, tôi không có cho cô đêm nay, một chỗ nghỉ ngơi quen thuộc, ánh đèn ấm áp, những người bạn cho cô chuyện trò và thức ăn cho cái bầu diều lép xẹp của cô được căng lên..” Mấy cô con gái lại xúm vào, đứa lo lấy nước, đứa bẻ bánh mì, tôi rải nắm gạo ở dưới chân cô, cô ăn chút bánh mì, uống chút nước và nếm thử gạo, cô im lặng, buồn bã và đứng im một góc dưới mái hiên, hai mắt từ từ khép lại, cô buồn ngủ! Tôi và các con rút lui vào nhà cho cô ngủ, cả bốn mẹ con vào phòng riêng nhưng tâm trí và trái tim đều để lại ngoài sân, nơi có nàng công nương đang chìm vào giấc ngủ, mong cho cô gặp được bạn bè trong giấc mơ tuyệt đẹp của mình…

Tôi gọi điện thoại hỏi thăm một nữ tu và tìm được một nữ tu khác, người đang nuôi gà, bà có sẵn hai con và rất vui “tiếp nhận” công nương của tôi. Đúng giờ hẹn, tôi chở công nương của tôi đến, vì bà bận phải đi ra ngoài ngay sau đó, nên trên đường lái xe, tôi nói lời chia tay em trước:

” Chút nữa thôi, em sẽ có một gia đình mới, yên tâm nhé, mình sẽ gặp lại nhau, một dịp khác. Cám ơn em đã đến với gia đình tôi, như món qùa nhỏ, đơn sơ, ngắn ngủi nhưng là niềm vui để chúng ta có dịp giúp đỡ và tỏ lộ tình thương mến, đến với mọi người, mọi vật quanh mình, chúc công nương của tôi, một mùa Xuân mới vui tươi và bình an, chào em nhé và hẹn gặp em sau”…

Giáng Thu

XUÂN CON GÀ


LỜI THỀ.

Chú Năm là người chứng hôn phối cho đám cưới của chúng tôi ở Việt Nam, chú sinh sống bằng nghề may đồ Tây và veston, trong căn nhà nhỏ, tại đường Cô Giang quận nhất. Vợ chú có một gian che bạt, bán cà phê bên vệ đường cách nhà chừng 500m, hai vợ chồng hiền lành và chăm chỉ làm ăn, chú có 3 người con, hai con trai lớn, tự đi học mỗi ngày được, nhưng đứa con gái Út , mới khoảng một tuổi, chú phải chăm sóc, vì vợ bận bán cà phê, hầu như cả ngày.
Cuộc sống của gia đình này, sẽ rất vui và bình an nếu : Không có RƯỢU!
Chú Năm người tầm thước, dù là thợ may “đồ lớn” nhưng Chú luôn ăn mặc giản dị, nói năng hoà nhã, chỉ phải tội Nghiện Rượu! Chú thường từ chối khi bạn nhậu rủ rê, vì khi rượu vào, Chú quậy hết biết! Quậy, phá, chửi bới… nói chung là không ai chịu nổi nhưng vì bạn bè, láng giềng hiểu chú nhiều, nên dễ dàng thông cảm bỏ qua. Đối với bạn nhậu, lại càng quý chú hơn, chuyện chú quậy sau những lần “quắc cần câu” là chuyện bình thường, chuyện nhỏ!
“Lâu lâu mới nhậu một lần
Phải mời đông đủ bạn hiền mới vui”!
Chú Năm đã từ chối nhiều lần trước rồi, lần này đang nằm ngủ trong mùng với đứa con gái Út, chú đã từ chối, quay vào nhà, nhưng kiêng khem lâu ngày chú cũng ..nhớ bạn. Thấy con ngủ say, chú nảy ra sáng kiến: đem hẳn chiếc quạt máy nhỏ, loại để bàn vào trong mùng, để một góc mùng đối diện chỗ con nằm, chú bấm nút số nhỏ nhất và cho quạt quay nhè nhẹ, cho con ngủ say và chú sẽ nhậu được lâu hơn..

…Rồi không biết bao lâu, buổi nhậu còn đang hồi “quyết liệt”, vợ chú hớt hải chạy đến, cho hay “Con gái đã chết cứng trong mùng”! Chú chạy về nhà, dù rượu bắt đầu ngấm, chú cũng hiểu ra mọi chuyện, ôm con gái vào lòng, chú khóc nức nở… Lát sau, đặt con gái xuống chiếc giường giờ đã được vén mùng lên, chú thấy chiếc quạt máy nằm im trong góc giường, chú với tay cầm lấy, ném mạnh vào góc nhà, vợ chú đứng chết trân nhìn người đàn ông của đời bà.. trái tim bà đau nhói như vừa hứng trọn sức ném của chiếc quạt, chiếc quạt đang nằm lăn lóc dưới sàn nhà vỡ vụn, nát tan…Chú Năm đi thẳng xuống nhà bếp, chọn con dao lớn, chú kề vào ngón út và nhấn mạnh! Chú THỀ không bao giờ nhậu nữa!!!
Chuyện đau buồn này, xảy ra khá lâu, trước ngày đám cưới của tôi. Trong tiệc vui hôm đó, tôi thấy chú cũng có uống nhưng không đến độ say xỉn, tôi vui vẻ đến cạnh bên vợ chú,  nói lời cảm ơn vì thím đã đến dự tiệc vui, ( vì thím có mặt bên cạnh chồng, cách an tâm và hạnh phúc).
Vài năm sau đó, tôi được tin từ người chị bên Việt Nam cho hay: “Chú Năm chết rồi , Chú đang đi bộ trên lề đường, bị xe tông phải”!
Tôi không nhớ rõ các chi tiết khác hơn về chuyện Chú Năm, tôi cũng không dám hỏi thêm bất cứ câu hỏi nào, liên quan đến chú. Tôi đang nhìn lại đời mình, từ ngày đầu tiên biết chú, cho đến tin buồn sau cùng này. Tôi nhớ lại Lời THỀ mà chú đã thốt ra trong cơn đau khổ tột cùng và Thím Năm, người vợ đã âm thầm, bước sau cái bóng xiêu vẹo của chú, trên đoạn đường dài khốn khổ của một đời người…Tôi nghe nước mắt mình rơi xuống, tôi khóc thương thím nhiều hơn…
Giờ đây tôi cũng đã nghe được LỜI THỀ từ ..nhiều chú Năm khác! Tôi không còn nước mắt để khóc cho Chú Năm của riêng tôi. “Hãy giữ dáng đi của mình cho thẳng thắn, không có hình ảnh nào khắc sâu cách đau đớn vào tâm trí người  vợ cho bằng: Hình ảnh “Chú Năm của đời mình” bước đi xiêu vẹo trong trong đêm đen, gió lạnh, miệng lảm nhảm những lời không nghe rõ, hai tay quơ lên như người đi trên dây điện, cần giữ thăng bằng và thích bước đi, chân thấp, chân cao giữa đại lộ không đèn..HÃY SỐNG TỐT ĐỂ ĐEM BÌNG AN ĐẾN CHO GIA ĐÌNH, CHO MỌI NGƯỜI.và không cần nói LỜI THỀ, khi đã sống tốt.
Mong lắm thay!

Giáng Thu


 MÙA XUÂN MỚI

Với chút chân thành, khi nhìn ngắm biển xanh

Chỉ thấy sóng, biển trời và mây trắng…

Đẹp tuyệt vời, với gió lộng trời Xuân

Xin tặng Anh, nhân ngày Lễ đầu năm

Với lời chúc: Xin cho một năm mới

Đầy mầu xanh, mầu sắc của tình yêu

Như sóng biển, một đời yêu cát trắng

Cứ vỗ về, quấn quýt mãi không thôi…

“Xin mến tặng các cặp đôi, đang Hạnh Phúc quanh tôi”

GIÁNG THU


BÀI TẬP THỂ DỤC CHO TRÁI TIM

Anh ơi, dậy đi, ra ngoài nắng
Giọt nắng trong lành buổi sớm mai
Em sẽ dạy anh, bài thể dục
Bài học đầu tiên, cho trái tim
Một, hai, ba, đôi tay giang rộng
Phân phát Tình Người, cho những kẻ khổ đau
Hai chân bước thẳng về phía trước
Lồng ngực căng đầy, lòng nhân ái, sẻ chia
Bốn, năm, sáu, là ánh nhìn thẳng thắn
Vào tương lai, tươi sáng, vạn ngày vui
Lòng kiên vững, được một đời dâng hiến
Thu thập tin yêu, đem trao hết cho Người
Bảy, tám, chín, hãy hít đầy lồng ngực
Không khí trong lành, nhả bỏ bụi nhơ
Bao khổ đau, ta thổi vào dĩ vãng
Vạn nỗi sầu, ta đóng cửa, nhốt trong tim!
Mười, mười một, mười hai,
Thập giá buồn, dù một đời cay đắng
Vạn nẻo đường, ta vẫn vác trên vai
Đôi vai nhỏ, phải tập quen gánh nặng
Có Thiên Thần, phù trợ, ta nguyện xin:
“Xin thêm sức, cho con được vui vẻ
Hé môi cười, dù nước mắt tuôn rơi”
Mười ba, mười bốn, mười lăm…
Giữ thân thể tráng kiện, dù lòng nghe tan nát
Hít thở đều, dù máu hoá sắc đen
Giữ thái độ ôn hoà, dù lòng nghe héo hắt
Quyết luyện xác hèn, thành Đền Thánh tôn vinh
Thiên Chúa Ba Ngôi – Mẹ Maria Tôn kính:
“Xin thêm sức cho con để bước tiếp
Đón thánh Giá, với niềm hoan lạc yêu thương”
Đường gian khổ, có ai bằng CHÚA MẸ?
Vẫn bước đi, không một tiếng than van
Đường trần thế, với bao là khổ lụy
Có ai cười, hay cất tiếng khóc đầu tiên?
Gương Thánh nhân hiền, bài học KHÔN NGOAN
Học từ CHÚA, với tấm lòng KHIÊM TỐN
Học Mẹ hiền, hai tiếng: XIN VÂNG
Vậy trở lại, bài thể dục buổi sáng
Bài học đầu tiên, để bước vào đời
Vẫn: một, hai, ba.. hít thở cho đầy ngực
Giữ trái tim hồng, lòng trung tín thiết tha..
Mỗi buổi sáng, khi đón chào ngày mới
Ta gọi nhau, sốt sáng TẬP THỂ THAO
Em có ngã, đừng buông tay em nhé
Tay trong tay, ta cùng nhau bước tiếp
Ta bước đều, về nhà Chúa yêu thương
Một, hai, ba, vẫn một lòng sắc bén
Sống CHỨNG NHÂN, đi rao giảng TIN MỪNG
Là đèn sáng, dẫn đưa người tìm đến
ĐƯỜNG CHÂN LÝ VINH QUANG ĐẾN NƯỚC TRỜI.

Giáng Thu Adelaide

cha-toi

FATHER’S IN LAW DAY

Nói Chuyện về Bố Vợ hay Nhạc Phụ

Phiếm Luận

Nhân dịp Father’s Day tôi xin đại diện cho “Cái Xương Xườn Cụt của tôi” để viết lên những lời tri ân đến người Bố, thân sinh ra nàng và cũng là Nhạc Phụ của tôi, Người đã tặng cô con gái cục cưng, công chúa yêu quý của Bố cho tôi.

Tôi có thể gọi đây là ngày Father in Law’s Day

Từ trước đến giờ, tôi thấy đa số người ta viết về Bố ruột của mình thì nhiều. Nhưng hổng thấy mấy người viết về Bố vợ ????

Không biết các ông Bố vợ có chuyện gì rắc rối hay không? Mà mấy người lại cứ tảng lơ Nhạc Phụ của mình đi vậy? Mặc dù các Ngài đã hiến tặng một giọt máu đầy ắp tình yêu thương cho chúng ta.

Riêng tôi, thì tôi cảm nhận được, Bố vợ của tôi rất thương mến tôi. Tôi sẽ kể hầu quý vị sau.

Trước khi viết về Bố vợ. Tôi xin mạn phép được kể 2 câu chuyện vui, nói về ông Bố vợ:

  1. Chuyện thứ nhất: Nói về câu ví von của các cụ ngày xưa: “Vênh váo như Bố vợ phải đấm”.

Hồi còn nhỏ, mỗi lần tôi thấy người ta gò, ép hay uốn nắn bất cứ vật dụng gì, mà nó không chịu nằm ngay ngắn, phẳng phiu theo như ý mình muốn, thì các cụ ví ngay:

Trông nó vênh váo, cứ như Bố vợ phải đấm”.

Chuyện xưa kể rằng: Có hai cha con, ông Bố vợ và người con Rể, một hôm cùng ngồi chung bàn nhậu với nhau, tán gẫu chuyện thời sự. Rượu vào thì lời ra, ngà, ngà say. Hai cha con bàn cãi sôi nổi, đi đến chỗ bất đồng chính kiến. Ông Bố vợ quát tháo, la mắng người con Rể. Chàng con Rể nổi sùng, nắm tay thoi cho Bố vợ một quả đấm vào mặt.

Thế là ông Bố vợ đứng vọt ngay dậy, vênh mặt lên, vừa chạy vừa la làng, phân bua, với làng xóm, nhắc đi nhắc lại nhiều lần, cho bà vợ và mọi người biết: “Thằng rể tôi, nó đấm tôi”!! “Thằng rể tôi, nó đấm tôi” !! Do đó mới có câu ví von “Vênh váo như Bố vợ phải đấm”.

  1. Chuyện vui thứ hai là: “Chàng Rể ngốc và ông Bố vợ tương lai”.

Ngày xưa, trong gia đình kia, có một cậu trai ngốc nghếch, muốn đi hỏi vợ. Bố Mẹ ruột dặn dò cậu kỹ càng, trước khi được ông mai dẫn đi hỏi vợ: “Nếu con sang nhà người ta (tức là nhà cô vợ tương lai). Hễ thấy Bố của cô ta làm cái gì, thì con cũng phải mau mắn nhào vào, bắt chước ông ấy mà làm theo. Người ta thấy vậy, có cảm tình, sẽ gả con gái của người ta cho con, nghe chưa” ??

Cậu con trai nghe thế, thì thuộc nằm lòng, in vào trong đầu.

Một hôm cậu sang nhà Bố Vợ tương lai, thấy ông Bố nàng đang đóng khố lội xuống ao bốc đất bùn lên bờ, trộn với trấu và rơm làm bờ tường cho chuồng trâu. Cậu ta cũng vội vã cởi quần làm khố, nhào xuống vớt bùn với ông Bố Vợ.

Bà Mẹ của nàng, thấy cậu con Rể tương lai sang phụ giúp việc với chồng, thì bà mừng rỡ, vội chạy ra chợ mua thức ăn, bún và thịt về nấu nồi Cà ri để đãi cậu con Rể, cho ra vẻ thịnh soạn.

Đến giờ nghỉ ăn trưa, ông Bố và cậu con Rể rửa chân tay rồi vào ngồi ăn chung một bàn. Ông Bố cầu nguyện xong, bắt đầu ăn.

Cậu con Rể cứ thấy ông Bố nàng gắp món gì, thì cậu cũng bắt chước làm theo y chang như vậy.

Ông Bố gắp miếng thịt bỏ vô chén, thì cậu con Rể cũng gắp miếng thịt bỏ vào chén. Lúc ông Bố bưng tô bún lên, lùa bún vào miệng, thì cậu con Rể cũng bưng tô bún lên làm theo như thế, khiến ông Bố phải phì cười sặc sụa, làm cho mấy cọng bún màu vàng cà ri trong miệng phụt mạnh từ cuống họng chui ra hai cái lỗ mũi.

Cậu con Rể nhìn ông Bố chằm chằm vào mặt, rồi phát biểu một câu: “Bác ơi! Bác! Bác làm cái gì khác thì con bắt chước được, chứ Bác làm rồng phun nước miếng như vầy, thì con chịu thua, không bắt chước được đâu”.

Câu nói này, làm cho ông Bố vợ tương lai, vừa mắc cỡ, vừa quê một cục.

Sau đó cậu ta về nhà, kể lại cho Bố Mẹ ruột nghe. Bố Mẹ cậu hết ý kiến về thằng quí tử của mình.

– Bây giờ tôi xin kể về Bố vợ của tôi.  Hiện nay Bố vợ của tôi đã bước sang tuổi gần bách tuần, cụ là người rất nghiêm khắc, thẳng tính, nhưng lại qúi mến và thương yêu tôi.

Hồi còn trẻ ở nhà quê, tôi và vợ tôi học chung một trường. Thời đó tôi học trên nàng 3 lớp, vì nàng nhỏ hơn tôi vài tuổi.

Bước vào tuổi cập kê, tôi biết yêu, để ý đến nàng. Cứ mỗi lần sau buổi học, nghe tiếng trống tan trường. Tôi vội vã xếp sách vở vào cặp, rồi lẽo đẽo đạp xe theo nàng về nhà, để thả dê và tán tỉnh. Tôi hỏi nàng nhiều câu và nói chuyện miên man trên suốt quãng đường về tới nhà nàng. Khi đến cổng nhà, nàng quẹo xe vào trong sân, còn tôi đứng trồng cây si ngoài đường vài phút, nhìn theo cho tới khi nàng khuất bóng sau cánh cửa, vào hẳn trong nhà.

Thỉnh thoảng có ngày, tôi thấy Bố nàng đứng trước cửa, với đôi mắt cú vọ nhìn tôi, làm tôi khiếp vía. Tôi vội đạp xe cút mất.

Sau này, tôi nghe theo mấy người lớn tuổi mách nước, dùng chiến thuật “Dương Đông kích Tây” tìm cách gây cảm tình với Mẹ nàng. Khi bà có thiện cảm với tôi, bà sẽ trấn át được ông Bố khó tánh của nàng.

Người ta nói: Nếu được Mẹ nàng hỗ trợ, thì tôi sẽ dzớt được cô con gái, cực cưng của ông dễ như chơi, là cái chắc. Bà già chịu đèn, thì Ông già cũng phải siêu lòng.

Riêng tôi, tôi thấy nàng đã tỏ dấu bật đèn xanh mở đường cho tôi rồi.

Qúi vị ạ! Dịp may hiếm có đến với tôi. Một hôm Mẹ nàng đi chợ về, trên đầu, bà đội một thúng hàng nặng, tay còn xách thêm một túi đồ ăn nữa. Lúc đó tôi đang đi lang thang dạo chơi, nhìn thấy bà, tôi khoanh tay lễ phép chào, rồi vội vàng theo sau, vừa đi, vừa nói: “Thưa Bác! Bác đội nặng quá, để con xách giùm cái túi này cho”.

Thoạt đầu, bà mỉm cười lưỡng lự, nhưng rồi bà cũng trao cho tôi cái túi đồ, xách giùm bà về tới nhà nàng.

Trên đường về nhà nàng, Mẹ nàng và tôi, vừa đi, vừa nói chuyện. Bà hỏi tôi, chuyện học hành, chuyện gia đình, rồi sơ vấn tôi một cách mỏng, mỏng. Tôi ngoan ngoãn, vui vẻ trả lời, cho tới lúc vào tận trong phòng khách nhà nàng. Nàng nhìn thấy tôi, thì vội núp bóng, sau bức màn the, thập thò trong cửa buồng, không dám lộ diện, đến khi Mẹ nàng gọi bưng nước ra mời tôi, thì nàng mắc cỡ, bẽn lẽn bưng ra, tới gần, liếc tôi một cái bén như dao mới mài.

Ngồi chưa nóng mông, thì Bố nàng xuất hiện, khiến tôi bị khớp. Mẹ nàng thấy tôi có vẻ ren, rét, nên bà dạo một câu, phủ đầu giùm tôi liền: “Hôm nay ngoài chợ, cái gì cũng hiếm và đắt!! Mua thêm ít đồ đạc cần dùng, để sơ cua, kẻo mai mốt nó lên giá. Mua thêm lại phải đội nặng. May nhờ có anh Tư xách giùm về đến nhà, nên cũng đỡ mỏi tay”.

Nói đến đây, Bà liếc mắt khẽ, nháy sang ông Bố nàng một cái, làm ông già cười xuề xòa vui vẻ, phát biểu một câu ngon lành: Vậy cảm ơn Tư nhé!! Uống nước đi cháu, thỉnh thoảng ghé lại chơi nghe cháu. Con Mận nó cần giúp làm bài, nếu rảnh thì lại nhà, chỉ cho nó giùm bác nghe!!! Tôi như mở cờ trong bụng..

Thế là cứ cách vài ngày, tôi lại cà lê, cà lết lại nhà thăm nàng, với “Lý do làm Gia Sư)”.

Thỉnh thoảng tôi chôm ít trái cây trong vườn của nhà tôi, đem sang nhà nàng làm quà biếu Bố Mẹ nàng để thực hiện câu các cụ dạy: “Tốt lỡi dễ kêu”.

Bố Mẹ nàng âu yếm nói với tôi: “Anh này chỉ bày đặt, quà với cáp”. Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Dĩ nhiên, Bác ơi!! Con phải có quà thì mới nối được dây cáp với con gái Bác chứ”.

Thế rồi, chẳng bao lâu tui chiếm được cảm tình với Bố nàng và thẳng thắn zớt được cô ái nữ của Bố.

Hổng biết tôi có điểm nào đặc biệt hấp dẫn mà lại lọt vào mắt nâu của nàng một cách trơn tru như vậy? Tôi thấy cô nàng ra vẻ hí hửng chịu đèn, một thằng xí trai như tui…

Kể từ đó, dần dần tôi chuyển tần số, cách gọi danh xưng, hai Bác sang thành Ba Má hồi nào tôi cũng không nhớ nữa!!!!

Bén mảng sang nhà nàng được gần một năm. Thì tôi về nhà năn nỉ Bố Mẹ tôi sang nhà nàng, xin phép ông bà Bô dzớt cô nàng về làm zdợ tui bây giờ.

Vợ chồng chúng tôi chung sống với nhau hạnh phúc và vui vẻ, chúng tôi nặn ra được hai cháu

Cứ cách vài ngày, thì chúng tôi lại dẫn các cháu qua nhà ngoại chơi, để ông bà ngoại và các cháu vui đùa tíu tít bên nhau.

Riêng Nhạc Phụ của tôi, thì lúc nào cụ cũng dành cho tôi phần hậu hĩ. Hễ có người quen hoặc thân nhân biếu quà cáp cho Cụ. Cụ không những, không dùng đến, mà còn gói ghém để dành cho tôi. Nhất là có ai đó biếu cụ chai rượu, thùng bia hay vài hũ càphê, thì chắc chắn các món quà đó sẽ thuộc về tôi.

Mỗi lần chúng tôi dẫn các cháu sang thăm Bố vợ tôi, Cụ đã thủ sẵn quà cho tôi. Cụ nói: “ Hôm nọ, ông X. ông Y. cho chai rượu, Ba không uống, bố mày đem về mà uống ”. Tôi như mở cờ trong bụng.

(Cái này là tôi nói nhỏ thôi nhé! Kẻo có người biết cái mánh của tôi, người ta sẽ không biếu ông Bố Vợ tôi rượu với Càphê nữa, thì coi như tui húp cháo rùa).

Nhạc phụ tôi, thường gọi tôi là “bố mày”, để nhắc cho tôi biết, là tôi cũng đã lên tới chức Bố rồi.

Mỗi lần ông Cụ nhắc điện thoại gọi chúng tôi dẫn các cháu qua chơi, là tôi biết Cụ đã có mục gì đó đặc biệt dành riêng cho tôi rồi.

Bố vợ tôi, đến nay tuổi đã khá cao, nhưng Cụ cứ lủi thủi mò mẫn cả ngày ở ngoài vườn với cái thú điền viên, quên đi tuổi già. Vườn của Cụ trồng rất nhiều rau và hoa quả như bên Việt Nam. Cứ mỗi lần vợ chồng chúng tôi dẫn các cháu qua thăm ngoại, khi về, thế nào cũng có quà: không rau, quả, thì cũng rượu bia, kẹo bánh..v..v..

Tôi có nói với Cụ: Sao Bố không để lại dùng, người ta biếu Bố mà ?? Ông Cụ bảo tôi: “Ba già rồi, ăn làm sao, uống làm sao cho hết. Để lâu bị hư, chịu khó sang lấy, đem về mà ăn, mà uống”.

Cụ nói như vậy, là muốn tôi vui vẻ nhận đem về nhà, khỏi phụ lòng thương mến của Cụ.

Thỉnh thoảng vợ chồng chúng tôi tổ chức cho các cháu đi pinic, tôi gọi điện thoại sang rủ và mời cụ cùng tham gia cho vui, là cụ đi liền. Mặc dù đôi lúc Cụ cảm thấy trong người không đuợc khoẻ, muốn nghỉ ở nhà. Mỗi lần tôi rủ Cụ đi đâu chơi, ít khi Cụ từ chối.

Qua những cử chỉ âu yếm như vậy? Nên tôi biết chắc và cảm nhận được tình thương, mà Nhạc Phụ của tôi dành cho tôi.

Lúc nào gặp tôi, Cụ cũng vui vẻ, liên thiên kể hết chuyện này, đến việc khác, nhất là thành tích vườn rau và cây kiểng của Cụ. Tôi thấy Cụ vui khoẻ, lòng tôi sung sướng vô kể.

Ngày nào còn Bố, là ngày đó còn đầy ắp tình thương yêu.

Ngày nào còn Bố thì “cái xương sườn cụt của con”, chẳng dám làm con đau nhức, Bố ơi !!! Bố là nơi nương tựa an toàn nhất của con, các cháu.

Nhân ngày Father’s in Law Day, con xin dâng lên Bố lời cảm tạ tri ân. Con luôn cảm nhận được tình thương của Bố dành cho con, ngay từ khi con bước chân vào nhà Bố và Bố đã cho phép con làm “Gia Sư” cho con gái của Bố, nay là: “Cái xương xườn cụt của con”.

Nhạc mẫu của tôi đã quá vãng, đến nay gần hai năm, còn lại một mình Nhạc Phụ của tôi lủi thủi trong căn nhà 3 phòng hiu quạnh.

Nhiều lúc tôi nghĩ về Cụ và thương Cụ thật nhiều, cho nỗi buồn cô đơn ở tuổi già “gần đất, xa trời”

Bố ơi! Giờ đây chúng con có một mái ấm gia đình, là nhờ công đức của Bố Mẹ. Bố đã lưu truyền lại cho chúng con những tình thương yêu, qúi mến mà Bố đã ấp ủ trong lòng.

Chúng con nguyện muôn đời khắc ghi.

“Chúc Bố một ngày thật vui vẻ bên đàn con, cháu, chắt, chút”

Con sẽ đón Bố sang nhà con ăn party “Mừng Father in Law’s Day”

Bố còn rượu, nhớ để cho con, Bố nhé!!

Thằng Rể mánh mung của Bố

Viết cho ngày Hiền Phụ

Jo. Vĩnh SA


SƯ PHỤ VÀ ĐỆ TỬ
-0-

Em vừa làm quen bác Hàn Mặc Tử
Bác hỏi em: Cô nương nay bao tuổi?
Dáng dấp ngắn, dài, mặt mũi ra sao?
Em nói: làm quen bác để học hỏi,
Chỉ bàn đến chuyện thơ của bác thôi
Cần chi vóc dáng, ngắn dài, tên với tuổi!?
Bác nói: Phải hỏi mới ra vần thơ chứ!
Từ dáng vẻ con người, nên ý thơ
Nếu mà cô xấu, xin miễn tiếp!
Tôi chẳng rỗi hơi, chẳng thời giờ
Nói với người như Chung Vô Diệm
Tôi thà đóng cửa, dẹp tiệm thơ!
Ấy ấy, bác ơi, đừng nóng vội
Tệ tệ em đây, cỡ… Thuý Kiều
Tự tin thế, nên em tin mình trúng tuyển
Bởi tóc em dài, mái tóc mây
Hồn thu lai láng như… hồ vắng
Ánh mắt ngoan hiền, mắt chim câu
Đôi vòng nguyệt quế, cong cong sáng
Má lúm đồng tiền, lom lõm sâu!
Hàm răng tăm tắp, đều như… bắp
Cặp môi thắm mọng, nét son tươi…
Thế bác có cho em làm đệ Tử,
Đệ tử học vần Gió với Trăng?
..
Em mê thơ bác từ lâu lắm,
Từ thuở nằm nôi… còn mặc tã,

Còn tắm ao hồ, tưởng tắm tiên!
Từ thuở nhìn trăng biết thèm muốn
Thấy trăng tròn tròn tưởng… bánh bao
Từ thuở sắc màu lên ánh mắt,
Thấy trăng vàng vàng, tưởng… bóng bay!
..
Nay em đã nhớn, chợt nhớ bác
Nhớ chú Cuội hiền, nhớ Hằng Nga
Em muốn một lần, cùng chú Cuội
Đến gốc đa già, ngồi mộng mơ…
Nếu gặp chị Hằng, em sẽ hỏi:
Người đẹp như Hằng, có khóc không?
Có buồn cô lẻ, khi đêm vắng
Có nhớ dương trần, bóng dáng ai?
Có thầm khao khát trăng vờn gió
Có đói hồn thơ, gió nhớ trăng?
..
Nghe em sáng tác một vài “phiến”
Bác Tử* nhìn em, khá ngỡ ngàng:
Tôi nay, mới vừa được diện kiến,
Bậc nữ anh hào, lẫm liệt… thơ,
Cần chi gọi tôi là SƯ PHỤ,
Thi phú, bạn tình tri kỷ thôi…
..
Nếu cô đồng ý, từ nay, ta hợp tác
Kinh doanh buôn bán: Gió và Trăng
Trăng tròn, trăng khuyết, lu hay tỏ
Chịu khó chờ, ắt sẽ có giá sale
Vì buôn bán, cũng phải theo thời điểm
Định luật thời gian, của con tạo xoay vần!
Còn gió thi thôi, không phải đợi
Ta đây có sẵn, đầy trong… phổi
Chỉ thổi một hơi, có gió liền!
Gom đủ tiền, ta mua thật nhiều gỗ
Xây căn nhà, ở trên chốn… cung trăng
Trước là cho Hằng Nga, cùng chú cuội
Có chỗ “dưỡng già”, sau ta “ăn ké” nghỉ ngơi
Khi nào chán cảnh gian trần, đầy bụi bẩn
Ta cùng lên, thăm viếng Cuội, Hằng Nga
Đêm trăng sáng, ta cùng nhau ngắm cảnh
Sân trước, Hằng Nga lo tiếp đãi
Đàn tỳ bà, nàng khẩy, điệu du dương
Tay bưng trà thái, mùi hoa lý
Dáng điệu khoan thai, múa lả lơi
Sân sau chú Cuội lo nướng bánh
Chiếc bánh trung thu, sáng ý tình
Cùng với trà, ta nghe thơm nức mũi
Tiên cảnh là đây, cô muốn kiếm chốn nao?
Cô chịu không, cảnh bồng lai, tôi đang… vẽ?
Bác Hàn ơi, em nghe mà rung động,
Chuyện kinh doanh: Trăng Gió, em nhường bác
Bác đủ tài, một mình bác, cũng “phất” to
Em nay tuổi đã nhiều mệt mỏi
Nên chỉ nhận phần.., nghỉ dưỡng thôi!
Em xin hứa, sẽ ngồi yên, bên cạnh bác
Cùng uống trà, ăn bánh, ngắm Hằng Nga
Cùng tấu thơ, thưởng thức hồn Trăng Gió
Chốn trần gian, em quên mất đường về
..
Bác chịu chưa, hai ta ký “contract”
Em ngồi yên bên bác, hồn trầm lắng
Bác ngắm Hằng Nga rồi làm thơ
Đem về dưới thế, kinh doanh tiếp
Khối kẻ chờ thơ: GIÓ VỚI TRĂNG..

Giáng Thu – Adelaide
* Bác Tử = Hàn Mạc Tử


MỪNG NGÀY HIỀN PHỤ VỚI CHƯƠNG TRÌNH T.V THE VOICE

Autumn Huỳnh

Sau khi xong các công việc buổi tối, tôi vào phòng ngủ, đóng cửa lại, nằm lên giường ngủ, bật TV và kê cao gối trên đầu, để chuẩn bị xem show sắp diễn ra trên màn ảnh, của đài truyền hình số 9: THE VOICE.

Đây là một show diễn hay, lôi cuốn khán giả ở mọi thành phần, giai cấp và đặc biệt, không có giới hạn về tuổi tác. Người tham dự cuộc thi, chỉ cần tự tin vào giọng hát của mình, với sự khuyến khích từ người thân hay bạn bè… họ đều có thể tham dự cuộc thi.
Ban giám khảo gồm khoảng 4 hay 5 người, họ là những nghệ sĩ, ca nhạc sĩ nổi danh đang được khán thính giả hâm mộ. Ban giám khảo này, ngồi vào những chiếc ghế có lưng dựa cao khỏi đầu, đặt gần sân khấu và quay lưng lại phía ca sĩ, để không nhìn thấy mặt ca sĩ. Chỉ đến khi một hay cả ban giám khảo thấy thích giọng ca, họ mới bấm chiếc chuông trước mặt mình, ghế tự động xoay lại và họ nhìn được mặt người vừa hát và phát biểu cảm tưởng, cũng như mời vào nhóm của vị giám khảo, để được huấn luyện và đi tiếp các vòng thi thố tiếp theo.
Tôi là người cũng yêu thích ca hát, nên ít khi bỏ sót chương trình này, ngoại trừ khi có việc phải ra ngoài vào giờ diễn của show.
Chương trình bắt đầu rồi, tôi mở TV muộn. Trên màn ảnh là cô gái trẻ, tóc dài, màu vàng óng ả, cô giới thiệu ngắn về mình: “Tôi tên… (vì lo sửa gối trên đầu nên tôi không nghe rõ), đến từ Melbourne, cùng đi với tôi đến đây có ba của tôi, mẹ tôi đã mất cách đây vài năm…”
Nói đến đây, cô nghẹn ngào và nước mắt, ứa ra trong khoé mắt… Ống kính của người quay phim chiếu lướt qua, ở một phòng trong khán đài, tôi thấy một người đàn ông, (đứng trước khung kính, cửa cách ly với sân khấu) đã lớn tuổi, tóc hoa râm, gương mặt khắc khổ, rám nắng với thật nhiều tàn nhang, ông mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay, có những sọc ngang, dọc màu xám nhạt, đơn giản và được cho vào quần tươm tất, để lộ dáng vẻ cao, gầy, khắc khổ và đơn độc.
Nhạc bắt đầu dạo lên, và cô cất tiếng hát… cả ban giám khảo và khán thính giả im lặng và lắng nghe. Ống kính lại lướt qua NGƯỜI CHA, rất nhanh, chỉ thoáng qua nhưng tôi kịp nhìn thấy, một người cha già đang đặt hết toàn bộ tâm trí và trái tim ông, dành trọn cho cô con gái, mà ông biết cô đang dốc hết tâm sức cho buổi diễn được thành công, và chắc hẳn, ông đang cầu nguyện…

Mắt tôi vẫn dán vào màn ảnh, nhưng ở đó, không còn cô gái tóc vàng, mắt nâu nữa, mà là CHÍNH TÔI. Tôi đang hát, bài “Tình Cha “…tình cha ấm áp như vầng thái dương…” trước mặt tôi, không còn ban giám khảo, không còn khán giả, mà chỉ thấy hình ảnh người cha lam lũ, trên chiếc ghe nhỏ, ông chèo ghe trên dòng sông nước đục ngầu, cô gái nhỏ là tôi, ngồi lọt thỏn ở đầu ghe. Miệng cười toe toét vì được cha cho đi câu cá… tôi vẫn hát say sưa, và hình ảnh người cha, sau buổi đi câu trở về, bên mâm cơm đạm bạc, cô gái nhỏ, mặt mày vui vẻ, ngồi cạnh cha mình để đón từng miếng cá nướng thơm lừng cho vào miệng, chiếc miệng nhỏ xíu, đã thiếu dòng sữa mẹ lúc còn bé thơ…
Tiếng vỗ tay vang dội, ban giám khảo xoay ghế lại, mọi người trong khán phòng, vỗ tay, hoan nghênh nhiệt liệt, cô gái mắt xoe tròn, có ngấn lệ, trước tràng vỗ tay nồng nhiệt này, cô biết mình đã thành công, giấc mơ được trở thành ca sĩ của mình đã hé mở một ánh hào quang, trong đó, ánh sáng rực rỡ của sân khấu đang chiếu rọi sáng chói trên gương mặt cô và nụ cười chiến thắng là chiếc vương miện… Được đặt êm ái trên chiếc đầu nhỏ nhắn của cô…
Ban Giám khảo nói gì, cô không nghe thấy nữa, cô quay người hướng vào phòng kính, có cha cô đứng ở đó, ông cũng đang khóc, những giọt nước mắt vui mừng… Cô chạy vào trong và nhảy tưng tưng trong vòng tay yêu thương của người cha. Như con cá nhảy tưng tưng trong chiếc lưới nhỏ của cha mình, tôi cũng chạy vào, sau cô gái một chút, cúi đầu trước hình ảnh cảm động này, và khóc…

Cảm ơn chương trình THE VOICE, đã cho tôi một buổi diễn tuyệt vời, giới thiệu những giọng ca mới, đẹp và trẻ trung. Trong đó, tinh thần thi đua cao của thí sinh, được Ban Giám khảo và cả sự tham gia của khán thính giả, đánh giá cách công bằng và đầy tình nhân ái. Cảm ơn cô ca sĩ trẻ, đã đến với chương trình cùng với người cha của mình. Cô đã là người diễm phúc nhất, nếu chỉ bằng giọng hát của mình, chắc chắn cô đã không thành công cách hoàn mỹ như vậy. Cảm ơn cô đã đến chương trình cùng với người cha, đầy lòng hy sinh cao cả của mình, ông đã biến giấc mơ của con gái mình, thành hiện thực và hãy nhớ: Cám ơn NGƯỜI CHA đã cho cô “Lời cầu nguyện, nụ cười, trái tim và cả cuộc đời của ông…”

Nhớ về những người cha yêu thương của chúng ta, nhân ngày NHỚ ƠN CHA.
Adelaide