Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”. Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!
Tóm ý:
Bê-Lem, Giu – đa, Nam bộ
Nơi Chúa Giáng Sinh cứu độ gian trần.
Từ vua cho đến quần thần
Không ai hay biết, phải lần sử kinh.
Bê-Lem sinh Đấng Cứu Tinh
Tân vương Do Thái chúng sinh đang chờ.
Ba vua người ngoại đến thờ.
Nhận ra Thiên Tử “dại khờ” vì yêu!
Làm người! phương thế tuyệt chiêu!
Cận thân gần gũi bao nhiêu cũng vừa.
Người ơi xin miễn nói bừa
Không hay không biết đổ thừa rằng quên.
Thiên Chúa Cứu Độ là Tên
Hiển Linh tỏ lộ ơn trên cho đời:
Ánh sao tiếng Chúa gọi mời
Đi tìm Thiên Chúa sáng ngời vinh quang. Amen
I Giáo huấn PhúcÂm:
Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại chứng tỏ rằng: Ngài là Chúa Cứu Thế muôn dân đợi trông.
Muốn tìm thấy Chúa, phải dấn thân hy sinh và liều lĩnh: rời bỏ quê hương, can đảm lên đường và theo sự soi dẫn của Chúa qua vì sao lạ như ba Đạo Sĩ Phương Đông.
Chúa soi dẫn con người đi tìm Thiên Chúa đích thực là Thiên Chúa, chứ không phải Thiên Chúa theo viễn ảnh của con người.
II Vấn nạn Phúc Âm.
1/ Lễ Hiển Linh là gì?
Nguyên ngữ Hy Lạp là epiphaneia, có nghĩa là tỏ mình hay xuất hiện ra bên ngoài. Trong tiếng Hy Lạp cổ cũng gọi là Τheophaneia, có nghĩa là thị kiến Thiên chúa, tức thấy Chúa. Lễ Hiển Linh rơi vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm được coi như là Lễ Con Thiên Chúa thành con người trong Chúa Giêsu Kitô. Giáo Hội Công Giáo Tây Phương cử hành Lễ Hiển Linh trong ý nghĩa chính yếu là việc Chúa tỏ mình ra cho Ba Đạo Sĩ từ Phương Đông đến thờ lạy Chúa.Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cử hành lễ hiển linh qua các biến cố: Giáng Sinh – Chúa tỏ mình cho Ba Đạo Sĩ Phương Đông – Chúa lãnh phép rửa ở Sông Giođan và cả việc Chúa làm phép lạ đầu tiên cho nước lã hoá thành rượu. Tất cả là hiển linh trong quan niệm thần học của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương. Trong ý nghĩa Thần Học Hiển Linh rất bao quát nầy, Giáo Hội Chính Thống Đông Phương chỉ cử hành ba lễ lớn trong Năm Phụng Vụ: Phục Sinh – Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và Lễ Hiển Linh. Lễ Hiển Linh thường vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm chứ không có lễ Giáng Sinh ngày 25.12 như Giáo Hội Công giáo Tây Phương.
2/ Làm sao ba đạo sĩ từ phương đông xa xôi có thể tìm đến Bê Lem để thờ lạy Chúa?
Phúc Âm thánh Matthêu nói: “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại” Câu nói diễn tả ánh sao lạ soi đường ba vua làm chúng ta tưởng tượng ra ngay chiếc đèn pin soi lối bước cho ai đó trong đêm tối. Tôi không tin là ngôi sao lạ từ trên trời cao xa hàng triệu cây số có thể gom ánh sáng của mình nhỏ lại đủ soi lối đi cho ba đạo sĩ, giống như một chiếc đèn pha.
Ánh sáng trăng hay “sáng như trăng rằm tháng tám!” là cách diễn tả của người Việt Nam mình khi nhìn thấy trăng sáng hay sáng trăng. Thực sự mặt trăng cũng như trái đất chúng ta là những hành tinh trong thái dương hệ, tự nó không có ánh sáng, nhưng nhận ánh sáng từ mặt trời. Chúng ta thấy trăng sáng hay ánh sáng ban ngày trên trái đất là nhờ ánh sáng mặt trời. Nên địa cầu bao giờ cũng có đêm và ngày: Trái đất xoay chung quanh mặt trời, phía nào đối diện với mặt trời thì có ánh sáng và là ban ngày. Phía khác thành ban đêm hay chiều tối….
Ánh sao lạ soi đường cho ba đạo sĩ đi tìm Chúa chắc chắn không phải là chiếc đèn pin hay đèn pha từ trên không trung rọi soi hướng dẫn hướng đi cho ba đạo sĩ. Ánh sao lạ là sự hướng dẫn của Thiên Chúa như là vì sao sáng, soi rọi nơi nhiệt tâm tìm Đấng Cứu Thế của ba đạo sĩ và họ nhận sự soi dẫn nầy để tìm đến Chúa. Tự họ, cũng như hành tinh địa cầu hay mặt trăng, không có ánh sáng, nhưng nhận ánh sáng soi đường dẫn lối từ trời cao.
Vả lại chúng ta biết Phúc Âm Matthêu viết 40 năm sau khi Chúa chết và lên trời, tức 75 năm sau chuyện ba đạo sĩ tìm Chúa. Ai biết và ai nhớ chuyện nầy để kể cho Thánh Matthêu viết Phúc Âm? Trong thực tế cuộc sống, chuyện năm trước, năm sau chúng ta đã quên và kể lại thiếu chính xác rồi, huống chi chuyện 75 năm trước. Nên càng nghiên cứu, chúng ta càng có lý do khẳng định: ánh sao lạ chính là Vì Sao Cứu Tinh đã thúc đẩy và soi dẫn họ đi tìm Ngài.
Nên chính Chúa là Đấng soi đường dẫn lối cho chúng ta tìm thấy Ngài. Thần học tìm Chúa nầy gọi là mạc khải hay hiển linh, tức Thiên Chúa tỏ mình cho con người lặn lội tìm thấy Ngài qua những gian khó của cuộc đời. Từ đó chúng ta mới hiểu những lời cầu nguyện: Lạy Chúa xin dẫn con đi tìm Ngài! Chúa là ánh sao soi đường dẫn lối cho ba đạo sĩ tìm thấy Ngài. Ánh sao nầy có luôn như ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên có lúc con người ẩn giấu mình đi, không để ánh sáng soi chiếu…Con người không tìm thấy Chúa. Nhiều người giỏi thần học, hiểu sâu tín lý vá tiêu pha thời giờ nghiên cứu thánh kinh…. Nhưng vẫn vô thần, vẫn không tìm thấy Chúa…. Vì Chúa chưa hiển linh, Chúa chưa mạc khải chính mình cho họ.
Nên ánh sao lạ trong Phúc Âm Matthêu là sự soi dẫn và tỏ mình của Thiên Chúa cho dân ngoại. Matthêu viết Phúc Âm cho người Do Thái chính gốc, họ thuộc nằm lòng Kinh Thánh Cựu Ước và họ không có hiển linh, không được Chúa tỏ mình ra, vì họ tránh đối diện và nhận ánh sáng soi đường của vì Sao Cứu Thế. Dân ngoại tiếp nhận ánh sáng và được hiển linh, được Chúa tỏ mình ra.
III. Thực hành Phúc Âm.
1/ Ánh nến trên bàn thờ
Gian phòng riêng của tôi có bàn thờ nhỏ: Trên cao có ảnh Chúa chuộc tội, dưới kế tượng Thánh Gia, thấp hơn di ảnh Cha Mẹ tôi và tượng Cha Diệp….Lúc nào tôi cũng thắp nến nhỏ, loại tea candle. Tôi muốn lòng mình qui hướng về Chúa nhất là ban đêm khi thức giấc. Ánh sáng nhỏ nhưng thật thu hút lúc đêm tối.
Nhìn lại đời mình, tôi thấy nhiều lúc chung quanh toàn màu đen thất vọng, thất bại và những ma mãnh bon chen trần đời. Tôi nhìn lên bàn thờ nầy, lên ánh nến nhỏ và một lời nguyện ngắn…. Thấy lòng ấm cúng và ủi an. Chúa là vì sao sáng ngày xưa dẫn đường cho ba vua tìm Chúa. Chúa là ngọn nến nhỏ trong phòng riêng, trên bàn thờ Chúa. Tôi thấy được dìu dẫn qua những vui buồn sướng khổ của cuộc sống.
2/Đừng tránh né ánh sao dẫn đường:
Ngày 25.3.2017 Đức thánh cha Phanxicô thăm viếng mục vụ giáo phận Milanô, nước Ý. Ngài nhắn gửi mọi người rằng: Đừng làm khán giả khi đứng trước những đau khổ của người khác.
Ánh sao lạ thường xuyên dẫn chúng ta đến chứng kiến tận mắt một cảnh nghèo hèn, bệnh tật và đau khổ. Cảnh nầy có nhiều và thật nhiều…. đến độ thành bình thường gây lơ là và nhiều khi làm chúng ta tránh né, chọn lối đi riêng.
Ánh sao dừng lại nơi cảnh nghèo Bê Lem và Ba vua đã mở bảo tráp trao dâng lên Chúa Hài Đồng vàng nhũ hương và mộc dược. Cảnh nghèo hang đá Bê Lem có khắp nơi. Hãy mở lòng, mở túi… mang niềm vui và an ủi cho những ai cần.
Ai cũng thường có kinh nghiệm về sự đáp trả hậu hĩnh của Chúa sau khi đã chúng ta biết mở lòng giúp đỡ người khác.