Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XVII Quanh Năm A – Lm. Peter Trần Thế Tuyên
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy. “Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Trong ngày tận thế cũng vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa rằng: “Có”. Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái mới, cũ trong kho mình”.
Đó là Lời Chúa.
Diễn ý Phúc Âm:
Nước trời giống thể kho tàng,
Chôn giấu trong ruộng ngoài đàng thật xa.
Có người khám phá tìm ra,
Bán cả gia sản để là chủ ông.
Nước trời giống thể bỏ công,
Tìm viên ngọc quí hằng mong cả đời.
Được rồi, không nói một lời,
Bán hết tất cả, cho dời ngọc vô.
Cá nhiều đủ loại đổ xô,
Mắc lưới chờ lựa tốt vô xấu từ.
Người dữ tách khỏ kẻ lành,
Hoả ngọc nung nóng sẵn dành từ lâu.
Mã mồ xanh nắm cỏ khâu,
Là lời răn dạy biết đâu đi về.
Khôn ngoan sử dụng mọi bề,
Lời Chúa mực thước, cắt tề thói hư. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Nước Trời được so sánh như:
- Kho báu giấu trong ruộng. Nó quí giá đến nỗi người tìm thấy phải bán cả sản nghiệp để mua ruộng có kho báu.
- Viên ngọc quí, người tìm thấy phải bán mọi thứ để chiếm hữu.
- Chiếc lưới cá thả xuống biển bắt được nhiều thứ cá. Người thả lưới bắt cá, chọn cá tốt mang về nhà còn cá xấu thì vứt bỏ đi.
Người khôn ngoan là người biết bỏ đi những gì tạm bợ và mau qua ở trần gian để tìm kiếm và chọn lấy nước trời giống như Salomon, biết chọn lựa và chỉ xin cho được khôn ngoan, biết phân xử phải trái và hơn thua.
II. Dẫn giải Phúc Âm:
Ý nghĩa 3 dụ ngôn so sánh Nước Trời:
Kho báu giấu trong ruộng, người tìm thấy phải bán hết gia sản để mua ruộng có kho báu. Viên ngọc quí, người tìm thấy phải bán mọi thứ khác để chiếm hữu viên ngọc quí giá. Lưới đầy cá và sẵn sàng bỏ những cá xấu đi và chọn cá tốt.
Có những giải thích cho rằng: Kho báu giấu trong ruộng chính là Kinh Thánh, là Mình Máu Thánh Chúa, là các Bí Tích Chúa lập và là chính anh chị em cùng tin Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế. Cũng có những suy diễn rằng: Thật là bất công khi đi lùng tìm kho báu trong đất đai ruộng lúa của người khác để tìm cách chiếm hữu. Cũng có những vấn nạn sao Phúc Âm lại có những thí dụ xem nghịch lý?
Nhiều khi chúng ta suy luận quá xa và sai lạc khi tìm cách giải thích kho báu là thứ gì? Phúc Âm nói ngay từ đầu rằng “Đức Giêsu kể cho dân chúng dụ ngôn này: Nước Trời giống như…” Như vậy chuyện Chúa muốn nói không là kho báu có thứ gì mà Nước trời là kho báu quí giá, chúng ta phải tìm kiếm nước trời và hy sinh mọi thứ để có nước trời. Không thể vấn nạn về chuyện bất công của dụ ngôn kho báu trong ruộng. Chúa không có ý nói là tìm cách chiếm hữu ruộng nương của người khác, nhưng chiếm hữu nước trời và thỏa đáp những gì nước trời đòi hỏi. Không ai bán cho mình kho báu thôi, nhưng người tìm thấy phải mua mọi thứ để trong đó có kho báu. Không là chuyện lừa đảo hay gạt gẫm. Nhưng là chuyện dụ ngôn: Làm mọi cách để có kho báu.
Tại sao người tìm thấy kho báu trong ruộng lại ích kỷ chôn giấu đi rồi âm thầm mua để hưởng lợi cho riêng mình? Nước trời cho cả nhân loại kia mà? Đúng lý anh ta phải la lên để mọi người cùng chia sẻ kho báu là nước trời. Câu hỏi cho thấy là chúng ta đi hơi xa hơn là dụ ngôn so sánh “Nước trời như kho báu giấu trong ruộng”. Nước trời quí giá hơn mọi thứ quí giá. Lối diễn tả “người kia gặp được thì liền chôn giấu lại” không là lời khuyên “khư khư cầm giữ nước trời đừng chia sẻ cho ai!” Ở đây không nhằm dạy phải giữ bí mật khi tìm nước trời, nhưng là điều kiện để chíếm hữu: Thấy đó, nhưng chưa có thể chiếm hữu ngay, phải hy sinh bán mọi thứ thì mới có được nước trời.
Trong thực tế, có mấy ai cho rằng: Nước trời quí giá như kho tàng chôn trong ruộng? Bằng chứng: Có nhiều người sẵn sàng kết hôn và sống rối rắm trong tội chỉ vì sắc dục. Nước trời hay phần rỗi không là gì so với chuyện dâm dục họ đang làm. Cũng có người biết phần rỗi là cao quí, nhưng cũng tiếc sót lắm khi phải hy sinh 10 đồng hay 20 đồng cho người nghèo và cần thiết. Nước trời chưa thấy, nhưng thấy mất 20 đồng trước mắt. Khó mà “về nhà bán mọi thứ để mua thửa ruộng có kho báu chôn giấu!”
Tương tự như vậy, xin đừng đi vào chi tiết tìm xem Chúa muốn ám chỉ thứ gì là viên ngọc quí. Chúa không có ám chỉ gì cả, mà nói rõ: Nước trời giống như viên ngọc quí, quí giá hơn mọi thứ và người ta phải đành bỏ mọi thứ khác để có nước trời. Tiện đây cũng xin chia sẻ: Thời Chúa Giêsu, các tông đồ theo Chúa, dân chúng theo nghe Chúa giảng phần nhiều là thành phần thất học, không biết chữ. Đầu óc họ rất cụ thể, không có thứ lý luật triết lý tam đoạn luận hay biện chứng pháp như chúng ta ngày nay. Nên Chúa dùng dụ ngôn, tức làm cho người nghe dễ hiểu. Chắc chắn Chúa không cố ý để người suy luận hay lý sự đâu. Nên đừng tạo nên những suy luận quá xa với dân trí thời Chúa Giêsu.
Có lần linh mục giảng lễ đám cưới đã giải thích rằng: Chiếc nhẫn là nhẫn nhịn, là nhẫn nhục là chịu đựng lẫn nhau… như ý Chúa muốn khi lập nên Bí tích Hôn phối. Như vậy hóa ra Chúa lập Bí tích Hôn phối và cả nghi thức trao nhẫn trong nghi lễ hôn phối sao? Thật là nhẫn cưới chỉ là bằng chứng tình yêu và sự trung thành như nghi thức Giáo Hội thiết lập. Không cần trao nhẫn cũng thành hôn nhân kia mà.
Cũng có linh mục quan trọng hóa hay bịa đặt ra chuyện nghi lễ như lễ phát tang làm cho giáo dân hiểu có thánh lễ để làm phép những khăn tang và lúc đó mới được đeo khăn tang. Không hề có nghi lễ phát tang trong phụng vụ Công giáo cũng như trong truyền thống Việt Nam. Khăn tang hay áo tang là dấu để tỏ lòng thương tiếc người thân qua đời. Không ai dám quả quyết rằng: Đeo khăn tang là chí hiếu hay chí tình còn không đeo là bất hiếu là vô ân. Có nhiều khi ngược lại. Cha mẹ đã chết cả tuần rồi mà phải đợi Cha làm thánh lễ phát tang thì mới được đeo tang hay mặc đồ tang.
Nên sau cùng, khăn tang chỉ là dấu bên ngoài. Nó không cần một nghi lễ hay một qui định để thành sự trong nghĩa cử khóc thương người quá cố nầy. Xin hãy công tâm nhìn nhận: Nhiều khi chúng ta lợi dụng hay gán ghép những chuyện không là lễ để biến thành “lễ” vì lý do vật chất phàm tục nào đó chăng? Xem chừng nhiều người đã lợi dụng chuyện nầy để có lợi chăng? Đây là tội mại thánh. Nước trời quí như kho báu. Nước trời quí như viên ngọc quí. Phải tìm mọi cách. Phải hy sinh mọi thứ để có nước trời. Đó là ý Chúa nói khi đưa ra dụ ngôn. Không cần suy luận xa thêm. Càng xa càng sai. Nước trời giống như chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá… Đến ngày tận thế cũng vậy, các thiên thần xuất hiện, tách biệt kẻ xấu ra khỏi người tội lỗi…
Dụ ngôn so sánh Nước Trời như lưới cá cho thấy:
Nước trời là nước thiên đàng mai sau.
Có người như hạng cá tốt được vào thiên đàng.
Có người như hạng cá xấu bị cho vào lửa hỏa ngục.
Hiện tại, nhiều người, bị ảnh hưởng vài giáo phái Tin lành đã chủ trương là không có hỏa ngục. Chúa là Cha chúng ta, không lẽ Chúa đành phạt chúng ta trong hoả ngục? Chúa đã từng nói rằng: Không lẽ con các người xin bánh mà các người lại cho đá. Con các người xin bánh mà lại cho bò cạp? Kỳ thực hoả ngục không là điều chúng ta xin mà cũng không là điều Chúa cho. Nhưng là đích mà chúng ta chọn dù hữu ý hay vô tình. Chúng ta có thể so sánh hỏa ngục như bảng dừng ở ngã tư đường. Ai cũng thấy và ai cũng biết là phải dừng hoàn toàn. Nhưng nếu chúng ta không chấp hành, có nghĩa là chúng ta chọn bị phạt và bị tai nạn. Nên khi chúng ta chết vì tai nạn hay bị phạt vì không dừng xe khi thấy bản dừng là vì chúng ta thôi. Thí dụ khác: Có rất nhiều trường học và có rất nhiều người thông thái, học cao hiểu rộng. Nhưng cũng có người không biết đọc biết viết. Tại sao? Chúa phạt cho họ dốt chăng? Không! Vì họ không đi học thì làm sao biết đọc và biết viết. Chúng ta chọn làm người mù chữ.
Việc có hỏa ngục là chuyện tự nhiên và công bằng của Thiên Chúa. Chúng ta không chọn thiên đàng, không chọn bán mọi thứ để có nước trời, có nghĩa là chúng ta chọn hỏa ngục. Cũng vậy không đi học thì có nghĩa là chọn dốt nát. Gặp bảng dừng mà không dừng là chọn tai nạn chết chóc hay giấy phạt.
III. Thực hành Phúc Âm:
Nếu nước trời được hiểu đây là phần rỗi đời đời, là nước thiên đàng quí giá như kho báu giấu trong ruộng, như viên ngọc quí vô giá… thì tại sao có những người tự tử, có những người không muốn kéo dài cuộc sống đau khổ để sớm về thiên đàng bằng sử dụng hình thức an tử thì tại sao không được phép mà còn bị vạ tuyệt thông?
Xin hạn chế vấn đề tìm hiểu ở đây trong phạm vi tự sát, giết chết chính mình hay an tử, tức muốn chấm dứt tình trạng đau khổ thể lý mà không còn hy vọng bình phục hay được cứu sống. Sẽ không đi quá sâu vào giới răn thứ năm “Chớ giết người” và trong vấn đề giết chết thai nhi được qui định trong Giáo luật điều 1398 với vạ tuyệt thông tiền kết dành cho tội nhân.
Điều răn thứ năm dịch sang tiếng Việt “chớ giết người!” làm cho người ta hiểu “người!” là tha nhân là người khác hơn mình. Kỳ thực điều răn thứ năm cấm xúc phạm đến mạng sống, kể cả mạng sống của chúng ta. Tôi nói “xúc phạm” để bao gồm cả việc kết thúc sự sống như giết chết và cả việc làm hại sức khoẻ và thể lý của mình và người khác.
Thí dụ: Làm cho một phần cơ thể hư hoại để ăn xin, tạo thương cảm nơi người khác.
Người tự tử tức giết chết mình lỗi điều răn thứ năm. Sự sống là do Chúa ban, vì Chúa thổi hơi vào mủi làm cho hình người bằng đất sét của Ađam thành sinh linh, tức có sự sống. Sự sống không thuộc con người hay không do con người tạo ra nhưng là quà tặng cao quí Chúa ban. Không ai muốn chết cả, nhưng cái chết cũng đến với từng người. Nếu không thuộc về chúng ta thì chúng ta không được tùy nghi sử dụng theo sở thích. Nên không nuôi sống chính mình là có tội trọng vì xúc phạm đến Chúa, Đấng ban cho con người sự sống.
Ngày xưa và bây giờ vẫn còn duy trì nhiều nơi bên Việt Nam là không cử hành thánh lễ An táng cho người tự sát và không cho chôn đất thánh. Ngày nay, Giáo Hội dạy: Xin hãy trao họ cho lòng thương xót Chúa, bổn phận của chúng ta là an ủi người sống và cho họ được nhìn thấy một thánh lễ An táng thân nhân họ như bao người khác là con cái Chúa.
Vấn đề an tử xem chừng là chuyện chưa thoả đáp được vấn nạn:
Kéo dài cuộc sống làm gì khi đã quá đau khổ và không còn hy vọng cứu sống?
An tử có thể là trực tiếp như được tiêm thuốc để kết thúc cuộc sống sớm.
An tử có thể gián tiếp như rút ống tiếp khí thở, đồ ăn hay thức uống…
An tử có thể do chủ động, tự nguyện của đương sự. Chính đương sự muốn và yêu cầu thực hiện.
An tử cũng có thể thụ động, đương sự bị cưỡng ép.
Giáo huấn của Giáo hội Công giáo trên vấn đề an tử:
Chống lại mọi hình thức an tử dù chủ, thụ động, dù gián tiếp hay trực tiếp, vì:
Chính Chúa sinh dựng nên từng người. Sự sống là chính Chúa, là quà tặng của Chúa, không thuộc chúng ta, chúng ta không được quyền sử dụng những gì không thuộc về mình.
Sách Tiên tri Giêrêmia 1:5 “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết người!”
Thánh Vịnh 139,13 “Chúa tạo dựng nên tôi trong lòng thân mẫu tôi!”
Chúa Giêsu cũng dạy trong Phúc Âm Matthêô 10, 29 “Chúa chăm sóc chim sẻ, huống chi con người quí giá hơn chim sẻ mà Chúa bỏ mặc sao?”
Thánh Phaolô trong thư gửi Rôma 14,18 dạy rằng “dù sống chết, chúng ta đều thuộc về Chúa”.
Đức Giáo Hoàng Piô XII trong thông điệp Mystici Corporis năm 1943 đã viết “Những ai thấm nhuần giáo lý Công giáo đều phải biết: An tử không những xâm phạm luật tự nhiên và luật Chúa ghi khắc trong lòng mọi người, mà còn là một tai họa cho việc phát triễn nhân loại!
Công đồng Vatican II qua Hiến chế Giáo hội trong Thế giới Ngày nay dạy “Tất cả những gì đi ngược với chính sự sống, như giết người dưới bất cứ hình thức nào, diệt chủng, phá thai, giết chết cách êm dịu, hoặc tự tử trực tiếp… Tất cả những điều nói trên và những điều tương tự, đều thực sự xấu, làm băng hoại nền văn minh nhân loại và xúc phạm nặng nề đến Đấng Tạo Hóa…” (Hiến Chế Mục Vũ số 27)
Ngày 8.9.1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã lưu ý các nhân viên thuộc Hiệp hội Đánh Thuốc Mê (Anesthetist) Âu châu dự họp tại Rôma như sau: “Một số người đương thời chúng ta đang cổ võ chấm dứt mạng sống con người bằng an tử như là giải pháp thông cảm sự đau khổ nhân loại, nhưng an tử là một hành động sát nhân. Không được thực hiện dù khi bệnh nhân yêu cầu. Đôi khi lời kêu van của bệnh nhân xin được chết, phải được hiểu rằng, họ không có ý xin chết êm cho bằng xin được GIÚP ĐỠ và YÊU THƯƠNG họ trong nỗi thống khổ! Không bác sĩ, không y tá, không chuyên viên thuốc, không bất cứ ai là trọng tài cuối cùng của sự sống con người, kể cả sự sống của mình và sự sống người khác. Thiên Chúa là Đấng Chăn Chiên nhân lành, trong chương trình của Ngài, khi bắt buộc phải gửi đau khổ để thanh luyện con cái, Ngài cho phép được chữa trị, Ngài cũng ban ơn để con cái chịu đựng, lập công, đền tội. Sống chết lúc nào là tùy quyền Ngài.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Thông điệp Tin Mừng về Sự Sống ra ngày 25.3.1995 tuyên bố: “Sự sống con người, là quà tặng Chúa ban, là thiêng liêng và không thể xâm phạm. Vì vậy, không thể chấp nhận phá thai và làm cho an tử. Không những không được cất mạng sống, mà còn phải quan tâm cách yêu thương để bảo vệ nó. Xã hội phải tôn trọng, bảo vệ và đề cao nhân phẩm của mọi người, mọi lúc và mọi điều kiện của đời sống con người”.
Giáo lý Công giáo dạy về an tử:
Số 2276: “Những người có sự sống bị suy giảm hoặc bị yếu đi, đòi hỏi một sự tôn trọng đặc biệt. Những bệnh nhân và những người bị khuyết tật cần phải được nâng đỡ để có thể sống một cuộc đời bình thường theo mức có thể”.
Số 2277: “Dù với lý do nào và với phương tiện nào mặc lòng, sự trực tiếp làm cho chết êm ái cũng chỉ là chấm dứt cuộc đời của những người bị khuyết tật, đau yếu hoặc đang chết dần chết mòn. Về luân lý, cách làm này không thể chấp nhận được”.
“Bởi vậy, một hành động hoặc sự bỏ qua một hành động, tự nó hoặc do chủ ý của ta, mang lại cái chết cho một người hầu chấm dứt đau khổ, sẽ là một tội sát nhân, nghịch lại cách trầm trọng với phẩm giá con người và với sự tôn kính mà ta phải có đối với Thiên Chúa hằng sống, Đấng Tạo Thành con người. Sự người ta có thể phán đoán sai lầm vì lòng ngay, sẽ không thay đổi tính chất của hành vi sát nhân này, một hành vi cần phải luôn bài trừ và cấm chỉ”.
Số 2278: “Còn như ngưng những phương thuốc y khoa quá tốn kém, nguy hiểm, dị thường hoặc không xứng với những kết quả mong muốn, thì là một việc làm hợp pháp. Đây là sự từ chối “những sự trị liệu kịch liệt”: Như vậy, đây không phải là muốn làm cho chết, nhưng chỉ là chấp nhận rằng không thể cản ngăn cái chết. Những quyết định phải do chính bệnh nhân làm lấy, nếu người đó có thẩm quyền và có khả năng, nếu không sẽ phải do những người hưởng quyền trước pháp luật, nhưng bao giờ cũng phải tôn trọng ý muốn hợp lý và những lợi ích hợp pháp của bệnh nhân”.
Số 2279: “Dù cái chết được coi là đã gần kề, những sự săn sóc thường dành cho một bệnh nhân, sẽ không được ngưng cách chính đáng. Việc sử dụng các thuốc tê để giảm đau cho bệnh nhân đã hấp hối, dù có nguy cơ giảm ngày sống của người đó, thì có thể được coi là phù hợp với phẩm giá con người về phương diện luân lý, nếu người ta không muốn cái chết, dù như là mục đích, dù như là phương tiện, nhưng cái chết chỉ được tiên liệu và được chấp nhận như là không thể tránh được. Những thứ giảm đau là một hình thức rất tốt của đức bác ái vô vị lợi: Theo danh nghĩa này, chúng phải được khuyến khích”.