Thánh Lễ Chúa Nhật XIV Thường Niên – Năm B
Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XIV Thường Niên – B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên
CHÚA NHẬT XIV QUANH NĂM
Sách Ngôn Sứ Êdêkien 2.2-5;
Thư II Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 12.7-10
và Phúc Âm Thánh Matcô 6.1-6
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê nhà và các môn đệ cùng theo Người. Ðến ngày Sabbat, Người vào giảng trong hội đường, và nhiều thính giả sửng sốt về giáo lý của Người, nên nói rằng: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người.
Chúa Giêsu liền bảo họ: “Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin. Người đi rảo qua các làng chung quanh mà giảng dạy. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý:
Giê-su trở về quê nhà,
Vào ngày lễ nghỉ, thật thà giảng kinh.
Dân làng sửng sốt không tin,
Con Ông thợ mộc, thông minh thế à!
Y như kinh sử bảo mà,
Tiên tri nào cũng quê nhà khinh chê.
Lòng tin họ cứng thấy ghê,
Nên Chúa không cảm thấy mê chút nào.
Niềm tin bị nhốt bị rào,
Thành kiến cản lối không sao lọt vào.
Chúa đành từ biệt bái chào,
Tiếp đi rao giảng núi cao đồng bằng.
Người ta giữ đạo quên rằng:
Ngồi Lời nhập thể bình bằng nhân sinh.
Sinh bởi Đức Nữ đồng trinh,
Con người tội lỗi phúc vinh quê trời.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Trong Cựu Ước, Chúa luôn thương yêu dân Ngài và gửi Ngôn Sứ đến ở giữa dân Ngài dù “chúng có thể nghe hoặc không nghe” như trường hợp ngôn sứ Êdêkien, ngôn sứ bị chính dân mình khước từ.
Chúa Giêsu như một ngôn sứ được sai đến với dân Chúa, nhưng Ngài bị chính đồng hương khước từ vì “Ông ta đã là bà con lối xóm với chúng ta!” Chúa Giêsu chịu chung số phận bị khước từ như các Ngôn Sứ trong Cựu Ước.
Khước từ Chúa Giêsu là khước từ ơn cứu độ vì “người không thể làm được phép lạ nào tại đó” Chúa không làm phép lạ tức dấu chỉ ơn cứu độ chưa bộc lộ, quyền năng và Nước Thiên chúa chưa thể hiện trên dân. Khước từ Chúa có nghĩa là còn lệ thuộc quyền lực của bóng tối là Satan.
II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Làng Nazareth thời Chúa Giêsu:
Nazareth ngày nay nép mình trong một lòng chảo tự nhiên cao 320m trên mực nước biển. Nazareth cách Biển hồ Galilee 25 km , 17 km theo đường chim bay và cách núi Tabor khoảng 9 km về phía tây. Rặng đồi Nazareth, trong đó có làng Nazareth, là rặng đồi cực nam trong nhiều dãy đồi song song theo hướng đông-tây tiêu biểu cho cảnh cao của vùng Hạ Galilee. Theo phúc âm thánh Luca, Nazareth là quê hương của Ông Giuse và Bà Maria và cũng là nơi thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ Maria rằng bà sẽ thụ thai Con Thiên Chúa và đặt tên Chúa là Giêsu. Trong Phúc Âm Thánh Matthêô, Giuse và Maria tái định cư ở Nazareth sau khi chạy trốn sang Ai Cập từ Bêlem (Mt.1:18-2:23). Nazareth là nơi Giêsu sống ẫn dật suốt 30 năm trước khi khởi công giảng dạy.
Làng Nazareth thời Chúa Giêsu chỉ có chừng 50 gia đình, khoảng 250 dân cư. James Strange, một nhà khảo cổ học người Mỹ ghi: “Nazareth không được đề cập tới trong các nguồn Do Thái cổ sớm hơn thế kỷ thứ III sau Công nguyên. Điều này cho thấy Nazareth thiếu sự nổi bật cả ở vùng Galilê lẫn vùng Giuđêa.” Strange ban đầu suy đoán là dân số của Nazareth vào thời chúa Giêsu phỏng chừng “1.600 tới 2.000 người”, nhưng trong lần xuất bản sau, ông đoán “tối đa là 480 người”. Theo Phúc âm Matthêô 2:19-23 thì: Sau khi vua Herod băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với Giuse bên Ai Cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, hãy dậy đem hài nhi và Mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết hài nhi đã chết rồi.” Ông liền chỗi dậy, đưa hài nhi và Mẹ Người về đất Israel. Nhưng vì nghe biết Archelaus đã kế vị vua cha là Herod, cai trị miền Giuđêa, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê và đến ở tại một thành gọi là Nazareth. Như vậy, ứng nghiệm lời đã phán qua miệng ngôn sứ: “Ngài sẽ được gọi là người Nazareth.”
Trong Phúc âm thánh Gioan, Nathaniel hỏi: “Có cái gì đặc biệt có thể xuất phát từ Nazareth?” (Gioan 1:46). Nazareth quá nhỏ bé và không quan trọng. Nazareth được các tác giả Phúc Âm mô tả cách tiêu cực: Phúc Âm Thánh Matcô viết rằng Nazareth đã không tin Chúa Giêsu và vì thế Chúa đã “không thể làm được phép lạ nào ở đó” như trong Matcô 6.5; Trong Phúc Âm Thánh Luca 4.29 kể rằng: người Nazareth tìm cách giết Chúa Giêsu bằng cách định xô Chúa xuống vực sâu dưới chân đồi. Trong cả 4 Phúc Âm Matthêô, Marcô, Luca và Gioan chúng ta đều tìm thấy câu nói nổi tiếng này “một ngôn sứ có bị coi thường, thì cũng chỉ ở chính quê hương của mình.”
Hội Đường Do Thái: Theo nguyên ngữ có nghĩa “nơi hội họp” hay “nhà cầu nguyện” xuất hiện vào thế kỷ VI trước Công Nguyên để thỏa đáp nhu cầu tôn giáo người Do Thái nơi mỗi địa phương: Họ qui tụ ngày Sabát để đọc Thánh Kinh Cựu Ước. Có thể nói: Hội đường Do Thái như nhà thờ ở mỗi họ đạo của chúng ta vậy. Hay nói đúng hơn, nhà thờ ở xứ đạo mô phỏng theo cách thức thực hành tôn giáo của người Do Thái: Ngày Chúa Nhật, giáo dân qui tụ ở nhà thờ giáo xứ để đọc kinh, dâng lễ thờ phượng Chúa. Tuy nhiên Hội Đường Do Thái không được coi là nơi thánh, dù luôn có “cuốn sách” Thánh Kinh được cuộn tròn và trưng bày nơi gian chính của Hội Đường.
Tiên tri là ai? Trong tiếng Việt Nam và trong cách hiểu thông thường của người Việt Nam, tiên tri là người biết trước những chuyện sắp xảy ra. Những điều tiên báo được gọi là sấm, như Sấm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhiều khi tiên tri đồng nghĩa với một chiêm tinh gia, người chuyên nhìn ngắm sao trời mà đoán vận số nhân trần. Giới bình dân thường cũng lẫn lộn tiên tri với thầy bói: Bói bài, bói quẻ hay xin sâm, gieo quẻ… Cách chung, ai biết trước và nói trúng phóc chuyện quốc sự hay dân gian thế sự được coi là tiên tri.
Như vậy, tiên tri của Việt Nam mình không giống tiên tri hay ngôn sứ trong Kinh Thánh vì thiếu ơn thiên triệu và thiếu yếu tố thần linh. Trong đạo Cựu Ước, tiên tri hay ngôn sứ là người được Chúa chọn để làm phát ngôn viên cho Chúa, mang lệnh Chúa truyền đến cho Dân Chúa. Thí dụ, tên tiên tri Isaia có nghĩa “Yahvê ơn cứu độ” Ông được chọn làm tiên tri qua một thị kiến xảy ra trong đền thờ Giêrusalem (Is. 6:3). Tên tiên tri Êdêkien có nghĩa “Thiên Chúa hùng mạnh!” Tiên Tri Ẹdêkien là ngôn sứ được Chúa chọn gọi sai đến sống giữa dân Chúa trong thời lưu đày Babylon.
Tiên tri là người của Chúa, được Chúa chọn làm phát ngôn viên, làm trung gian giữa trời và đất, làm sứ giả cho Thiên Chúa. Nên, Gioan Tẩy Giả hay Chúa Giêsu đều được xếp vào hàng tiên tri. Họ là người của Chúa, sấm của họ là lệnh truyền của Chúa. Để mang lệnh truyền của Chúa đến cho dân, họ được Chúa cho khả năng báo trước những điều sắp xảy ra. Thí dụ Isaia tiên báo về Đức Trinh Nữ Maria mang thai và sinh Chúa Cứu Thế “một trinh nữ thụ thai và sinh con trai” (Isaiah 7:14). Tiên Tri Giêrêmia tiên báo về việc Giêrusalem bị tàn phá và dân bị lưu đày Babylon (chương 13 và 14). Trong Kinh Thánh Cựu Ước có 17 tiên tri tất cả, 4 tiên tri lớn như Isaia, Elia, Giêrêmia và Ezêkiel và 13 tiên tri nhỏ.
Tại sao Chúa Giêsu bị người đồng hương Nadarét khước từ?
Vì Chúa Giêsu xuất sinh từ một gia đình tầm thường: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ vấp ngã vì Người” Nói theo kiểu Việt Nam mình: Con quan thì được làm quan, con sải chùa thì quét là đa.
Vì Chúa Giêsu mang thân phận giống như các ngôn sứ trong Cựu Ước: Chính dân Chúa khước từ ngôn sứ Chúa sai đến, chính dân Chúa chối từ Chúa. Nên “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó. Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy”. Ơn cứu độ mang tính cách phổ quát. Chúa đến cứu muôn dân. Chúa là Chúa của muôn loài.
III. Thực hành Phúc Âm:
Bình thường nhưng không tầm thường:
Không ai trong chúng ta chọn lựa để được sinh ra. Không ai trong chúng ta chọn lựa cha mẹ và gia đình để được sinh ra. Có người sinh ra trong cảnh giàu sang phú quý. Có người sinh ra trong cảnh nghèo nàn. Có người thông minh. Có người đần độn… Mỗi người chúng ta đến trong cuộc đời với một hành trang có sẵn. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận cuộc đời như một Hồng Ân của Chúa. Ngài mời gọi chúng ta đón nhận từng phút giây của cuộc sống như một ân huệ… Nói như Thánh Phaolô: “Tất cả đều là ân sủng của Chúa”: Tất cả đều phải được đón nhận với lòng biết ơn và tín thác.
Xin đừng chối bỏ hay khước từ những con người xem chừng rất bình thường trong cuộc sống chúng ta: Cha mẹ, anh chị em ruột thịt và bạn bè thân hữu… Gặp họ hàng ngày, họ thành tầm thường hay đôi khi thành ngao ngán. Không, họ là những ngôn sứ được Chúa gửi đến cho chúng ta. Tất cả là ơn Chúa. Khi những con người nầy đã ra đi hay sống xa chúng ta, chúng ta sẽ nhận ra ơn Chúa mà chúng ta đã khước từ.
Quê hương Việt Nam/ tài năng Việt Nam
Nếu ai có dịp sang Úc, không nên bỏ qua thắng cảnh Gold Coast ở Queensland, cách thành phố Brisbane không đầy 100 km về phía Nam. Gold Coast đẹp không thua Waikiki của Hạ Uy Di. Hàng trăm khách sạn đẹp nằm dọc dài theo bãi biển. Đặc biệt có những kênh đào nhỏ trong khu vực gần bờ biển. Những nhà nghỉ mát đắt tiền nằm dọc hai bên những kênh đào nầy. Mỗi nhà thường có hồ tắm phía sau, có cầu tàu và ở cuối cầu là một chiếc du thuyền hay một chiếc tàu nhỏ. Đẹp và thơ mộng! Có người khen cảnh đẹp như thiên đàng.
Nhưng khi về lại Việt Nam. Có dịp nhìn những kinh đào ở nông thôn, tôi thấy không khác gì những kênh đào ở Gold Coast. Tôi nói thầm: Nếu người ta biết khai thác những bình thường nầy, thì Việt Nam mình sẽ có nhiều cảnh đẹp và thơ mộng còn hơn nước ngoài.
Cũng vậy, mỗi người có những tài năng tiềm ẩn! Người Việt Nam mình có tính hay chê bai hay chỉ trích người khác. Điều nầy không ích lợi gì cho mình và người khác! Nên giúp nhau, chỉ cho nhau phát huy những khả năng tiềm ẩn mà Chúa ban cho.